Trang chủ > Kháng chiến chống Mỹ > Nghệ thuật sử dụng lực lượng phòng không trong Tổng tiến công mùa Xuân 1975

Nghệ thuật sử dụng lực lượng phòng không trong Tổng tiến công mùa Xuân 1975

Tháng Tư 4, 2011

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là thắng lợi của toàn dân tộc. Trong lĩnh vực quân sự đây là thắng lợi của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân, nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng phòng không đi cùng bộ đội binh chủng hợp thành của Đảng ta.

Trong một thời gian ngắn chúng ta đã tổ chức một lực lượng lớn phòng không cho các binh đoàn tác chiến binh chủng hợp thành. Quân chủng PK-KQ đã chuyển giao hơn 50% số trung đoàn pháo phòng không (PPK); 243 xe phục vụ; 134 khẩu pháo; 68 cơ cấu phóng tên lửa tầm thấp A-72 và 794 đạn cho các quân đoàn chủ lực. Trong đội hình mỗi sư đoàn bộ binh được biên chế 1 tiểu đoàn PPK 37-2mm; 1 đến 3 phân đội tên lửa tầm thấp A-72. Các trung đoàn bộ binh có 1 đại đội súng máy phòng không (SMPK) 12,7mm. Các sư đoàn, trung đoàn phòng không được biên chế vào đội hình các quân khu, quân đoàn. Đây là một bước phát triển mới, quan trọng trong nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng phòng không tác chiến đi cùng đội hình binh chủng hợp thành, là nghệ thuật chuyển hóa thế trận phù hợp với tác chiến chiến dịch của binh chủng hợp thành.

Một đơn vị pháo phòng không tham gia chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1975, lực lượng không quân nguỵ trên chiến trường rất mạnh với tổng số 1852 máy bay các loại, trong biên chế của 6 sư đoàn không quân. Về số lượng, không quân địch được đánh giá là “đứng hàng thứ 3” trên thế giới. Đây là một thách thức lớn đối với toàn bộ các đơn vị và các hoạt động của ta, cũng như với lực lượng PKLQ. Để tập trung lực lượng và xây dựng thế tiến công kịp thời, bảo đảm cho chiến dịch, bộ đội phòng không đã cơ động hàng nghìn ki-lô-mét với đội hình xe, pháo nặng nề, cồng kềnh, dễ lộ bí mật, đã vượt qua nhiều địa hình phức tạp, khó khăn và đã đánh hàng trăm trận. Nhiều trận đánh địch của lực lượng phòng không có công sự, ngụy trang chu đáo, có trận địa chính thức, trận địa dự bị, nhưng đa số các trận đánh diễn ra trong điều kiện hành tiến, không có đầy đủ công sự, ngụy trang; các trận “tao ngộ chiến” với cả địch trên không và địch mặt đất, mặt nước. Lực lượng PKLQ đã tiêu diệt và làm tan rã 6 sư đoàn không quân; thu và phá hủy hơn 1000 máy bay; bắn rơi, bắn hỏng hàng trăm máy bay; bắn chìm, bắn cháy nhiều tàu chiến địch, phá hủy nhiều hỏa điểm, lô cốt, ổ đề kháng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo đảm cho tác chiến chiến dịch thắng lợi.

Đi cùng và chiến đấu trực tiếp bảo vệ đội hình quân đoàn (và tương đương quân đoàn) là các sư đoàn phòng không (hoặc các trung đoàn phòng không tăng cường). Trên các hướng tiến công chủ yếu, các mũi thọc sâu của các sư đoàn bộ binh, thường ta tập trung lực lượng từ 1 đến 2 trung đoàn phòng không. Đặc biệt nhất là chúng ta tập trung toàn bộ lực lượng  A-72 cho các đơn vị binh chủng hợp thành. Tên lửa tầm thấp A-72 đi cùng các đơn vị đặc công, các mũi đột kích, thọc sâu của xe tăng, bộ binh đã đánh địch có hiệu quả, quân địch rất khiếp sợ khi quan sát thấy cảnh tượng tên lửa ta đuổi hạ máy bay địch, chúng kinh hoàng kêu lên “hỏa tiễn tìm nhiệt Việt Cộng hạ phi cơ rồi”. Tinh thần binh lính địch hoảng loạn, sa sút, các ổ đề kháng bị tiêu diệt, tạo điều kiện cho bộ binh, xe tăng ta phát triển tiến công. Lực lượng  A-72 đã luôn theo sát bước chân thần tốc của bộ đội ta, chiến đấu mưu trí, dũng cảm, cách đánh cũng rất táo bạo, linh hoạt, bất ngờ.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tên lửa tầm thấp A-72 đã bắn rơi tại chỗ 34 máy bay địch. Ngay trên hướng Tây Bắc Sài Gòn trong ngày 29-4, tên lửa A-72 đã bắn rơi 9 máy bay địch ở Phú Lâm, Tân Tạo, Ngã tư Bảy Hiền. Cũng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh chúng ta đã tổ chức thành công hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng phòng không với bộ binh, xe tăng và các tổ, đội bộ binh bắn máy bay bay thấp. Phát huy hỏa lực của các loại vũ khí trang bị PPK 57mm, 37mm, 23mm và súng máy phòng không 12,7mm được sử dụng đánh cả địch trên không và địch mặt đất, mặt nước. Riêng 2 trung đoàn phòng không 234 và 284 đã bắn cháy, bắn chìm 10 tàu chiến địch trên sông Đồng Nai. Và ngược lại bằng các loại vũ khí có trong tay như súng bộ binh, súng máy 12,7mm các đơn vị xe tăng, bộ binh đã chiến đấu quyết liệt với máy bay địch, kết hợp các phương tiện, trang bị từ súng bộ binh, súng máy phòng không, pháo phòng không, tên lủa tầm thấp, cả tên lửa và không quân chúng ta đã tạo ra một lưới lửa vừa tập trung, vừa rộng khắp, đánh địch liên tục trong suốt quá trình chiến dịch.

Từ tác chiến phòng không của lực lượng đi cùng binh chủng hợp thành trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm. Trước hết để bảo vệ trực tiếp cho các đơn vị binh chủng hợp thành, cần sử dụng phương tiện phòng không có sức cơ động nhanh, chiến đấu có hiệu quả với máy bay bay thấp và máy bay trực thăng vũ trang, chi viện hỏa lực của địch. Đó là các loại pháo phòng không tự hành, pháo phòng không có xe kéo, súng máy phòng không, tên lửa vác vai kết hợp với sự chuẩn bị sẵn kế hoạch bắn máy bay bằng súng bộ binh của các đơn vị binh chủng hợp thành. Tên lửa tầm thấp (A-72, A-87) có thể bố trí ngay trên các xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và ở hướng dự kiến địch đánh phá. Trong quá trình phát triển của chiến dịch tiến công, căn cứ vào tình hình địch trên không, vị trí của các đơn vị được bảo vệ, các lực lượng và phương tiện phòng không phải thường xuyên sẵn sàng và di chuyển nhanh chóng bảo vệ bộ đội binh chủng hợp thành. Khi bộ đội binh chủng hợp thành vượt qua những đầu mối giao thông, cầu phà, bến vượt, ngầm… các phân đội phòng không phải ở tư thế SSCĐ cao nhất. Khi bị địch tập trung đánh phá ở độ cao thấp, các đơn vị phòng không nhanh chóng bắn trong tư thế hành tiến hay từ vị trí tạm dừng. Đồng thời sử dụng triệt để hỏa lực súng bộ binh, súng máy, đại liên… để tiêu diệt địch.

Mặt khác, trong tác chiến hiệp đồng với bộ đội binh chủng hợp thành, điều quan trọng nhất của người chỉ huy phòng không là phải nắm chắc nhiệm vụ, ý định, quyết tâm của người chỉ huy binh chủng hợp thành, nắm chắc nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ tiếp theo của chiến dịch và của các đợt, các trận chiến đấu của binh chủng hợp thành. Để đánh địch mặt đất, mặt nước, người chỉ huy các cấp nhất là từ tiểu đoàn trở xuống phải có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị chu đáo, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn để hỗ trợ nhau tiêu diệt địch và bảo toàn lực lượng ta.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là cuộc chiến tranh nhân dân, bằng sức mạnh của toàn dân tộc, của lực lượng vũ trang ba thứ quân. Đây sẽ là cuộc chiến tranh lớn bằng vũ khí công nghệ cao hiện đại kết hợp với vũ khí công nghệ chưa cao, chưa hiện đại, thậm chí cả vũ khí thô sơ cũng được sử dụng để đánh địch. Do đó, lực lượng PKLQ, phòng không địa phương và dân quân tự vệ cần có số lượng đông, tổ chức tác chiến rộng khắp, tạo nên hỏa lực ở độ cao thấp là lực lượng xử lý và đánh địch tại chỗ nhanh nhất, đánh máy bay bay thấp, tên lửa hành trình, đổ bộ đường không, đường biển và tham gia các chiến dịch phản công, tiến công, các trận đánh trong các khu vực phòng thủ tỉnh, thành.

Lực lượng PKLQ, phòng không địa phương và dân quân tự vệ phải được tổ chức thành các cụm hỏa lực phòng không đủ mạnh, để bảo vệ trực tiếp các mục tiêu quan trọng trong khu vực phòng thủ, có nhiệm vụ tiêu hao, tiêu diệt địch, buộc địch phải phân tán, đối phó, đánh bại âm mưu dùng hỏa lực mạnh, đánh nhanh, thắng nhanh của địch. Đồng thời tham gia trực tiếp bảo vệ các khu vực phòng thủ tỉnh (thành), chiến đấu tạo thế cho bộ đội PK-KQ tác chiến với chiến dịch phòng không lớn.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN CHƯƠNG
Cục trưởng Cục Phòng không Lục quân