Thắng lợi của nghệ thuật hiệp đồng tác chiến

Tháng Chín 25, 2011 Bình luận đã bị tắt

Trận “Điện Biên Phủ trên không”

Boeing B-52 dropping bombs.jpg

Máy bay B52 thả bom. Ảnh: Internet

Cách đây 39 năm, một trận quyết chiến chiến lược được diễn ra trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng phụ cận, giữa một dân tộc đất không rộng, người không đông, nhưng có ý chí kiên cường và quyết không khuất phục đế quốc Mỹ xâm lược, tên “sen đầm” quốc tế có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh bậc nhất thế giới. Sau 12 ngày đêm chiến đấu với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, dân tộc ta đã chiến thắng, các lực lượng phòng không, không quân của ta đã hạ gục sức mạnh của không lực Hoa Kỳ. Dư luận phương Tây thời đó ví trận thắng này là “trận Điện Biên Phủ trên không”. Mấy chục năm trôi qua, đã có nhiều tác phẩm, tổng kết của lãnh đạo, tướng lĩnh, nhà nghiên cứu lý luận quân sự… ở nhiều chế độ chính trị khác nhau viết về trận “Điện Biên Phủ trên không”. Mặc dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng đều khẳng định chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần, của trí tuệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, trong đó có nghệ thuật quân sự tài giỏi của một quân đội anh hùng.

Cho đến tháng 10-1972, cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã diễn ra hơn nửa năm và giành thắng lợi to lớn, làm thay đổi cục diện chiến trường. Trên miền Bắc, quân và dân ta đã đánh bại một bước quan trọng cuộc chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ; không ngừng tăng cường sức người, sức của vào tiền tuyến lớn, cùng quân và dân miền Nam phát triển cuộc tiến công chiến lược. Tại Pa-ri, cuộc đàm phán giữa ta và Mỹ kéo dài đã bốn năm. Ngày 8-10-1972, Chính phủ ta đưa ra bản dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, ta và Mỹ đã thỏa thuận hầu hết các nội dung của bản dự thảo, ấn định ngày 22-10-1972 ký tắt tại Hà Nội và 31-10-1972 ký chính thức tại Pa-ri. Nhưng phía Mỹ cố tình dây dưa, muốn đợi qua cuộc bầu cử tổng thống, đồng thời chuẩn bị bước phiêu lưu quân sự mới, nhằm giành thế mạnh cả về quân sự và ngoại giao, ép ta phải nhân nhượng theo những điều kiện có lợi cho Mỹ.

Phân tích âm mưu và hành động của địch, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định, địch sẽ đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, có nhiều khả năng chúng sẽ dùng máy bay chiến lược B52 đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng… Nhiệm vụ của Quân chủng Phòng không – Không quân là tập trung mọi khả năng, nhằm đúng máy bay B52 mà tiêu diệt. Kế hoạch chuẩn bị đánh trả và phòng tránh máy bay B52 được quân và dân ta triển khai khẩn trương, tích cực, chủ động, kiên quyết, trong đó lực lượng nòng cốt là Quân chủng Phòng không – Không quân. Chúng ta đã huy động một lực lượng lớn tham gia chiến dịch gồm 6 trung đoàn tên lửa phòng không (loại tên lửa SAM 2), 3 trung đoàn không quân tiêm kích, 4 trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo cao xạ, 356 đơn vị pháo, súng máy cao xạ, toàn mạng ra-đa và các lực lượng phục vụ khác.

Ngày 17-12-1972, tổng thống Mỹ R.Ních-xơn ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 mang tên “Lai-nơ Bếch-cơ II” vào Hà Nội, Hải Phòng. Vào lúc 19 giờ 20 phút ngày 18-12, ra-đa của ta phát hiện máy bay B52 của địch bay vào vùng trời miền Bắc. Từ đó, liên tục 12 ngày đêm, Mỹ đã huy động đến mức cao nhất sức mạnh của không quân chiến lược thực hiện cuộc tập kích chiến lược vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số trung tâm công nghiệp ở miền Bắc. Được chuẩn bị chu đáo từ trước, quân và dân ta bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần bình tĩnh, tự tin và quyết thắng. Không quân ta đón đánh địch từ vòng ngoài. Bộ đội cao xạ và lưới lửa tầm thấp của dân quân tự vệ bắn “hất” máy bay chiến thuật của địch lên cao. Ra-đa, tên lửa vừa khắc phục các loại nhiễu, phát sóng bắt mục tiêu B52 và phóng đạn tiêu diệt. Cả bầu trời Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và nhiều vùng phụ cận khác được phủ kín lưới lửa phòng không ba thứ quân ở nhiều tầng, nhiều tầm, nhiều hướng.

Đúng 7 giờ ngày 30-12-1972, Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp đại biểu Chính phủ ta tại Pa-ri, bàn việc ký hiệp định. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn nhất bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng bị đánh bại. Trong 12 ngày đêm, địch đã xuất kích 663 lần máy bay chiến lược B52 và hơn 3.800 lần chiếc máy bay chiến thuật các loại.

Đây là lần đầu tiên quân và dân ta đã tổ chức, thực hành thắng lợi chiến dịch phòng không đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của địch. Ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay chiến lược B52 và 5 máy bay F111, giáng đòn quyết định vào cố gắng cuối cùng của Mỹ trong năm 1972, buộc chúng phải ký Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Về nghệ thuật chiến dịch, thành công nổi bật là ta đã đánh giá đúng âm mưu, ý đồ và dự đoán đúng quy luật đánh phá của không quân chiến lược Mỹ. Tổ chức, sử dụng hợp lý lực lượng phòng không ba thứ quân đánh các loại máy bay chiến lược, chiến thuật của địch cả ban ngày và ban đêm. Đặc biệt, tập trung lực lượng tên lửa phòng không đủ mạnh để đánh mục tiêu chủ yếu là B52, trong khu vực tác chiến chủ yếu là Hà Nội. Trong suốt thời gian chiến dịch, nghệ thuật hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng trong Quân chủng Phòng không – Không quân và giữa các lực lượng phòng không của ba thứ quân đã phát triển lên một trình độ cao, làm phong phú nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” rất to lớn, âm hưởng của nó đã vượt ra khỏi phạm vi của một chiến dịch, góp phần quyết định “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề “đánh cho ngụy nhào” vào mùa xuân 1975. Thắng lợi đó đã kiểm nghiệm sự sáng tạo của một phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng, với nghệ thuật quân sự độc đáo, làm giảm hiệu lực hoặc vô hiệu hóa sở trường tác chiến của đối phương, đồng thời hậu thuẫn kịp thời, đắc lực cho mặt trận đấu tranh ngoại giao. Những bài học về nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức, thực hành chiến dịch phòng không vẫn giữ nguyên giá trị để các cấp, các ngành, các địa phương và lực lượng vũ trang tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Đại tá, TS TRẦN ĐĂNG THANH

qdnd.vn

Điển hình nghệ thuật đánh điểm, diệt viện

Tháng Chín 25, 2011 Bình luận đã bị tắt

QĐND – Thực hiện kế hoạch tác chiến Xuân – Hè 1965, Bộ tư lệnh Quân khu 5 mở chiến dịch Ba Gia nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng của chủ lực địch, mở rộng vùng giải phóng, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của địa phương và giữ hành lang nối liền miền núi với đồng bằng Trung Trung Bộ.

Trong chiến dịch này, lực lượng của ta gồm: Trung đoàn bộ binh 1 chủ lực Quân khu 5, Tiểu đoàn bộ binh 45, các đại đội pháo binh, phòng không, trinh sát đặc công và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Quảng Ngãi. Địch có một trung đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn biệt động quân, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một tiểu đoàn và 15 đại đội bảo an, một chi đoàn xe thiết giáp.

Theo kế hoạch chiến dịch, đêm 28-5-1965, ta sử dụng Đại đội 2 (Tiểu đoàn 90, Trung đoàn 1) tập kích vào đại đội địch đóng quân dã ngoại ở Diễn Niên để kéo Tiểu đoàn 1 của địch trong đồn Ba Gia ra ứng viện, nhưng khi bộ đội ta tiếp cận thì địch đã cơ động về trú đêm ở núi Tròn. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng trung đội bộ đội địa phương huyện Sơn Tịnh tập kích vào 2 trung đội dân vệ ở chợ Phước Lộc để kéo đại đội địch từ núi Tròn về tiếp ứng, tạo điều kiện cho Đại đội 2, Tiểu đoàn 90 tiêu diệt. Đúng như dự đoán, khi trung đội dân vệ bị tiến công, ngày 29-5, đại đội địch ở núi Tròn lập tức đến ngay. Không để địch biết đã gặp bộ đội chủ lực, ta sử dụng một bộ phận đặc công, trinh sát vừa đánh vừa rút lui như kiểu du kích, làm cho địch bị mắc lừa, điều thêm 2 đại đội còn lại cùng toàn bộ ban chỉ huy tiểu đoàn (có 2 cố vấn Mỹ) ra khỏi đồn để “lùng bắt Việt Cộng”. Tiểu đoàn 90 xuất kích, tiếp cận và đồng loạt nổ súng xung phong tiêu diệt gần hết tiểu đoàn địch, hoàn thành thắng lợi trận then chốt chiến dịch.

Sau đó, địch tổ chức một chiến đoàn với 3 tiểu đoàn bao gồm bộ binh và thủy quân lục chiến chia làm hai cánh quân đi giải tỏa cho Ba Gia. So sánh tương quan lực lượng, Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương kiên quyết lập thế trận chia cắt, tách quân địch ra từng tiểu đoàn, không cho chúng liên kết, chi viện lẫn nhau để tiêu diệt từng bộ phận. Bằng các trận đánh liên tiếp, đến cuối ngày 30-5, ta đã “gom” được địch vào mấy cụm cách biệt nhau và buộc địch phải trú quân ban đêm, không kịp xây dựng trận địa. Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ đạo các đơn vị chỉ để lại một bộ phận nhỏ đủ sức vây và kiềm chế địch, còn đại bộ phận củng cố lực lượng chuẩn bị tập kích, quyết tâm tiêu diệt chiến đoàn địch trong đêm. Đến 4 giờ ngày 31-5, ta tiêu diệt hoàn toàn chiến đoàn địch.

Chiến dịch Ba Gia là một trong những chiến dịch đạt hiệu suất chiến đấu cao. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với lực lượng ít hơn địch cả về số tiểu đoàn và vũ khí trang bị, song ta đã tiêu diệt gọn 4 tiểu đoàn chủ lực khá tinh nhuệ của địch. Thành công của chiến dịch thể hiện bước trưởng thành mọi mặt của bộ đội chủ lực miền Nam, trong đó nổi bật về nghệ thuật vận dụng cách “đánh điểm, diệt viện”.

Việc lựa chọn mục tiêu làm “điểm khêu ngòi” đã thể hiện tính dây chuyền trong kế hoạch tác chiến chiến dịch. Ta không lựa chọn “điểm đồn” Ba Gia để “khêu ngòi” mở màn chiến dịch, mà lựa chọn đại đội địch đóng quân dã ngoại. Khi tình hình địch thay đổi, ta chọn “điểm” là chốt bảo an dân vệ ở chợ Phước Lộc, tuy là “điểm” nhỏ, nhưng “nhạy cảm”, đánh vào đó, ta đã dụ được đại đội địch ở núi Tròn quay về ứng cứu. Bộ tư lệnh chiến dịch lại chọn ngay đại đội này làm mục tiêu “khêu ngòi” để tiếp tục lừa dụ Tiểu đoàn 1 cơ động ra khỏi đồn Ba Gia; ta tổ chức đánh viện lớn để câu nhử và diệt viện lớn hơn của địch là chiến đoàn ngụy đi giải tỏa cho Ba Gia.

Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng chiến dịch cũng là một bước phát triển sáng tạo trong chiến dịch. Lực lượng chiến dịch được tổ chức thành các bộ phận, lần lượt thực hiện thắng lợi từng trận đánh. Trận đánh “khêu ngòi”, ta sử dụng trung đội địa phương Sơn Tịnh là đơn vị hoạt động quen thuộc trên địa bàn; khi đại đội địch về tiếp ứng, ta không tập trung lực lượng diệt đại đội này mà chỉ sử dụng một bộ phận trinh sát, đặc công ngăn chặn, vừa đánh vừa rút lui để kích thích, câu nhử địch. Trận then chốt tiêu diệt Tiểu đoàn 1 của địch khi cơ động ra khỏi đồn Ba Gia, Tiểu đoàn 90 nổ súng xung phong vào lúc địch chủ quan, nên hoàn toàn bị bất ngờ; đồng thời, bộ phận hỏa lực trợ chiến của trung đoàn kiềm chế trận địa pháo địch trong đồn Ba Gia, không để chúng chi viện cho lực lượng đang bị tiến công. Sau thắng lợi của trận then chốt mở màn, ta chủ động điều chỉnh, chuẩn bị lực lượng đánh trận then chốt tiếp theo. Trong thực hành tác chiến, ta kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến của bộ đội chủ lực với hoạt động tác chiến phối hợp của lực lượng vũ trang địa phương và đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân.

Phân tích nắm chắc quy luật hành động của địch, từng bước điều động, buộc địch phải bị động đối phó theo cách đánh của ta cũng là một thành công nổi bật của nghệ thuật chiến dịch. Bộ tư lệnh chiến dịch đã dự kiến chính xác hành động của địch; vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu để giành thắng lợi. Trong thực hành tác chiến, khi yếu tố bất ngờ của phục kích không còn, ta đã linh hoạt chuyển sang vận động tiến công tiêu diệt địch; chuyển hóa từ vận động tiến công ban ngày sang bao vây, kiềm chế và tập kích địch ban đêm; vận dụng linh hoạt thủ đoạn ngăn chặn, bao vây, chia cắt để lần lượt tiêu diệt từng bộ phận quân địch. Sự sáng tạo vận dụng linh hoạt nghệ thuật tác chiến trong chiến dịch Ba Gia là kinh nghiệm quý, cần được nghiên cứu để tiếp tục tổ chức huấn luyện cho bộ đội, phục vụ tác chiến trong điều kiện mới hiện nay.

Đại tá Hoàng Văn Quý

qdnd.vn

Giải mã những bí ẩn của chiến tranh không quân Việt Nam

Tháng Chín 5, 2011 Bình luận đã bị tắt

Một trong những bí ẩn của cuộc chiến tranh cục bộ tại Việt Nam là cuộc đối đầu giữa hai lực lượng, một lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới và một lực lượng không quân sinh ra trong khói lửa chiến tranh. Không nói về những khía cạnh chính trị, bài viết cố giải mã những bí ẩn của cuộc chiến tranh có quá nhiều bí ẩn. Ngay cả với những người trực tiếp cầm cần lái và nhấn nút phóng tên lửa.

Bài viết của chuyên gia quân sự độc lập A.I.Trernhusev (А.И.Чернышев)

Ngày 2 tháng 8 năm 1964. Trên vịnh Bắc bộ xảy ra một sự kiện mở màn cho một cuộc chiến tranh khốc liệt. Theo lời phát ngôn của Nhà trắng Mỹ, các xuồng phóng lôi của Hải quân nhân dân Việt Nam đã tấn công 2 tầu khu trục Mỹ là tầu khu trục Maddox và Joy Turner ở ngoài vùng nước tự do hàng hải (Sự kiện nguỵ tạo của Mỹ ở Vịnh Bắc Bộ năm 1964). Có thể hiểu rõ ràng rằng, sử dụng lực lượng bộ binh để đáp trả là không thể, vì trong trường hợp tốt nhất sẽ xảy ra chiến tranh dạng “Triều Tiên lần II” với hàng triệu chí nguyện quân Trung Quốc, trường hợp xấu hơn sẽ là cuộc đối đầu trực tiếp với quân đội Liên bang Xô Viết.

Từ suy luận đó, Lầu năm góc quyết định chọn phương án: Sử dụng lực lượng không quân hùng mạnh của Mỹ tiêu diệt tiềm lực quân sự và chính trị của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc không tập ngày 5 tháng  8 năm 1964 vào căn cứ của các xuồng phóng lôi ở Vinh bắt đầu cho Cuộc chiến tranh đường không lần đầu tiên trong lịch sử vào miền Bắc Việt Nam.

F-4B Phantom IF-4B Phantom I

Do không đủ lực lượng và phương tiện chiến tranh được triển khai trong khu vực, trên lãnh thổ của Miền Bắc Việt Nam chỉ có một số lần tập kích. Nhưng người Mỹ đã xây dựng hàng chục căn cứ không quân ở Miền Nam Việt Nam và ở Thái Lan, các căn cứ này chứa khoảng 330 máy bay tác chiến chiến thuật. Bao gồm máy bay tiêm –  cường kích F-105. Thunderchief, máy bay F-100 Super Sabre, máy bay tiêm kích đánh chặn F-4C Phantom II.

Để trinh sát, không quân Mỹ sử dụng máy bay RF-101 Voodoo và RF-4C Phantom P. Để bảo vệ sân bay, người Mỹ sử dụng 2 tiểu đoàn máy bay đánh chặn F-102 Delta Dagger, được gọi là loại máy bay vô tích sự nhất trong chiến trường Đông Dương. Ở Vịnh Bắc bộ, người Mỹ thành lập 2 cụm tầu sân bay và tầu chiến, Cụm tầu sân bay Yankee Station sử dụng hơn 200 máy bay cường kích và tiêm kích ở khu vực bờ biển Miền Bắc, Cụm tầu sân bay Dixy Station khu vực bờ biển phía Nam. Các loại máy bay trên boong tầu chủ yếu là F-4B Phantom I, F-8 Crusaider, cường kích А-4 Skyhawk, A-1 Skyraider.

Trong giai đoạn đó, trong lực lượng phòng không, không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ có 40 đến 60 máy bay chiến đấu. 25 máy bay tiêm kích J-5В (MIG17 bản copy của Trung Quốc) một số không đáng kể máy bay J-2 (MIG15) bản copy của Trung Quốc, và một số máy bay ném bom IL 28.

Để bảo vệ các mục tiêu quan trọng của các cơ quan điều hành, lãnh đạo cấp nhà nước và các mục tiêu quan trọng, lực lượng PKKQ có trong biên chế một số phân đội pháo phòng không cấp tiểu đoàn, người Mỹ dự đoán là khoảng 1000 khẩu súng cỡ nòng các loại.

Tháng 2 đến tháng 6 năm 1965

Ngày 7 tháng 2 năm 1965, Không quân Mỹ thực hiện chiến dịch Flaming Dart (Mũi lao lửa), chiến dịch không tập đầu tiên trong hàng loạt chiến dịch nhằm tiêu diệt các căn cứ quân sự và kinh tế trên Miền Bắc Việt Nam.

Trong giai đoạn này, các máy bay chiến đấu của Mỹ tiến hành các trận ném bom phá hủy dồn dập, sử dụng các chiến thuật tương đối đơn giản. Máy bay cường kích, nhiều khi đạt số lượng đến 80 chiếc, thực hiện chuyến bay đến mục tiêu, lựa chọn độ cao có lợi nhất (khoảng từ 2500 – 4000m), sử dụng kỹ thuật đơn giản ném bom và phóng tên lửa.

 Các kỹ thuật ném bom của không quân Mỹ trong 3 giai đoạn chiến tranh, trước và sau khi Việt Nam sử dụng không quân.Các kỹ thuật ném bom của không quân Mỹ trong 3 giai đoạn chiến tranh,
trước và sau khi Việt Nam sử dụng không quân.

Số lượng đầu đạn đánh trúng mục tiêu rất thấp, do tâm lý là ném hết bom, phóng hết đạn nhiều hơn đánh trúng mục tiêu. Để tránh phải rơi vào lưới lửa phòng không của các hệ thống pháo phòng không đa cỡ nòng dày đặc, kíp lái hầu hết không hạ thấp độ cao vào vùng nguy hiểm.

Phương thức bảo vệ mục tiêu của không quân Việt Nam khá cổ điển: đánh chặn ở khoảng cách trên đường máy bay đối phương bay đến mục tiêu cần bảo vệ.

Các phi công Việt Nam lái MiG-17 đã thực hiện một chiến thuật rất hiệu quả: 

Bay ở độ cao thấp và gần với mục tiêu cần bảo vệ, ngụy trang bằng địa hình trên mặt đất, MiG 17 đợi đội hình máy bay cường kích ném bom của không quân Mỹ. Khi phát hiện mục tiêu, cặp đôi MiG 17 bay ra khỏi ổ phục kích, sử dụng ưu thế hơn một chút về tốc độ ở độ cao thấp (200/300 km/h với độ cao 3000m), cơ động trong đội hình những máy bay cường kích ném bom đang mang nặng vũ khí treo dưới cánh và đánh cận chiến, bắn thẳng vào đối phương ở khoảng cách gần.

Sử dụng chiến thuật này ngày 4/4/1965, bốn chiếc máy bay MiG -17 chống lại 8 chiếc F-105D gần vùng trời Thanh Hóa, đại úy phi công Trần Hanh bay số 1 với phi công bay số 2 đã bắn hạ 2 chiếc F105D Thần Sấm do đại úy phi công James Megnesson và  thiếu tá Frank Bennet điều khiển. Đây là 2 chiếc đầu tiên trong số 350 máy bay Mỹ bị không quân Việt Nam bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.

Sau 5 ngày không quân Mỹ dành được một chiến thắng với cái giá khá đắt: 9 tháng 4 năm 1965, lúc 8h40 phút máy bay F-4B Phantom II số hiệu 151403, kíp lái Trung úy T. Murphy và Robert Fagan từ phi đoàn bay tiêm kích số VF-96 từ tầu sân bay USS Ranger CV-61, tham chiến cùng với 4 chiếc máy bay MiG 17. Tên lửa không đối không tầm trung AIM-7 Sparrow bắn trúng 1 máy bay MiG 17.

Bản thân chiếc F 4 Phantom II rơi vào hỏa lực súng máy của Mig bốc cháy và rơi xuống biển, kíp lái mất tích.

Ngày 3 tháng 5 năm 1965, Trung úy phi công Phạm Ngọc Lan trên Mig 17F bắn cháy 1 chiếc A-4 Skyhawk. Ngày 20 tháng 6 năm 1965 vào lúc 18 giờ 25 phút 2 Mig 17F tấn công 4 chiếc máy bay cường kích hải quân А-1Н Skyraider động cơ pittong cánh quạt của không đoàn cường kích VA-25 cất cánh từ tầu sân bay Midway. Một chiếc MiG 17 khi cơ động không thành công đã rơi vào hỏa lực của súng 20 mm của 2 chiếc A-1H (Phi công C. Hartman và K. Johnson).

Trong toàn bộ giai đoạn đầu tính từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1965, theo thông số của Mỹ, Không quân Việt Nam mất 4 chiếc MiG- 17 (hoàn toàn do Hải quân, 3 trong số đó bị bắn rơi bởi F-4B) Mỹ mất 5 máy bay F-105D, 2 máy bay cường kích và 1 F-4.

Từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1965

Nhờ sự viện trợ tích cực ngày một tăng cường của Liên bang Xô Viết và Trung Quốc, hệ thống phòng không của Miền Bắc Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tháng 7 năm 1965, một hệ thống vũ khí mới xuất hiện, làm thay đổi hoàn toàn tình hình chiến trường, hệ thống tên lửa phòng không S-75.

Ngày 24 tháng 7 năm 1965, tiểu đoàn tên lửa có sự tham gia của cố vấn quân sự Thiếu tá F.Ilinux và cố vấn kíp trắc thủ Việt Nam Thượng úy V. Konstantinov,  phóng đạn tiêu diệt 3 máy bay tiêm kích – ném bom F-4C cách Hà Nội 30 – 40 km về phía Đông Nam.

Máy bay bay với tải trọng vũ khí đầy đủ dưới cánh trong đội hình hành tiến. Người Mỹ công nhận bị rơi 1 chiếc F-4, hai chiếc bị thương nặng. Sau 3 ngày, 6 chiếc F-105 liên tục ném bom vào khẩu đội tên lửa, tổn thất tác giả bài viết không có thông số.

 Chiến thuật tấn công của MiG 17 phục kích.Chiến thuật tấn công của MiG 17 phục kích.

Đến ngày 27 tháng 10, không quân Mỹ đã đánh trúng 8 khẩu đội tên lửa S-75 của bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam. Đồng thời không lực Mỹ cũng tổn thất (theo thông số Mỹ cung cấp) là 3 F-105 Thunderchief, 2 F-8 Crusaider, 2 F-4 Phantom II và 1 А-4 Skyhawk. Rất nhiều máy bay khác bị thương tổn nặng nề. Theo thông số do Việt Nam cung cấp, trong giai đoạn này bộ đội tên lửa đã bắn rơi hơn 30 máy bay tiêm kích-ném bom.

Trong những trận đánh khốc liệt, lực lượng cố vấn quân sự Liên Xô cũng hy sinh và bị thương rất nhiều, quá trình vừa chiến đấu vừa học tập, huấn luyện, các trắc thủ Việt nam đã nhanh chóng nắm chắc tính năng kỹ chiến thuật và  đã thành công trong điều khiển tên lửa. Trong suốt cả giai đoạn chiến tranh phòng không, các cố vấn quân sự Xô viết luôn sát cánh cùng các cán bộ chiến sỹ lực lượng phòng không – không quân Việt Nam.

Sự tổn thất tăng vọt của các loại máy bay chiến đấu đồng thời trạng thái tâm lý năng nề bao phủ lên lực lượng không quân Mỹ do lưới lửa phòng không dày đặc và sự tham chiến hiệu quả của tên lửa S-75 đã buộc Nhà trắng và Lầu năm góc phải có giải pháp hạn chế. Đồng thời lực lượng không quân Mỹ cũng phải thay đổi chiến thuật tấn công an toàn.

Phi công Mỹ không áp dụng chiến thuật tấn công tầm cao trung bình mà buộc phải thay đổi do tên lửa S-75 tiêu diệt tất cả các máy bay bay ở tầm trung và tầm cao. Máy bay Mỹ buộc phải chọn khả năng đột kích ở tầm thấp và tầm thấp giới hạn.

Các phi công Mỹ đã cố gắng sử dụng sự che khuất của các dãy núi trên địa hình, do đó khả năng phát hiện mục tiêu và bám dính mục tiêu của radar gặp nhiều khó khăn. Sự thay đổi chiến thuật đó đã lập tức ảnh hưởng đến chiến trường không quân.

Các phi công tiêm kích Việt Nam không nhận được những thông tin chính xác, đầy đủ của các phi đoàn máy bay đối phương bay luồn theo sườn núi và sát mặt nước biển. Các ổ phục kích của MiG- 17 trở lên khó khăn hơn, hiệu quả chiến đấu giảm sút trong các cuộc tấn công theo các mục tiêu máy bay Mỹ tự do cơ động.

Chiến thuật tấn công của MiG 17Chiến thuật tấn công của MiG 17

Nhưng cùng trong thời gian đó, các cuộc không kích của máy bay Mỹ vấp phải hỏa lực dữ dội của pháo phòng không các cỡ nòng và thậm chí súng bắn thẳng như 12,7mm và súng trường.

Đến cuối năm 1965, số lượng pháo phòng không các cỡ nòng của Miền Bắc Việt Nam tăng lên nhanh chóng và vượt con số 2000. Đặc biệt là hỏa lực của pháo phòng không xô viết 57 mm sử dụng radar đường đạn S-60. Hỏa lực pháo 57 có radar dẫn bắn đã phát huy sức mạnh dữ dội của nó khi bảo vệ các mục tiêu trọng yếu như cầu, đường giao thông.

Tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, các chuyên gia quân sự Mỹ nhận ra rằng một nửa số máy bay bị bắn hạ ở Việt nam là do hỏa lực của súng phòng không các cỡ nòng nhỏ như 57mm, 37mm, 14,5mm, 12,7mm và thậm chí súng trường, những loại vũ khí được coi là đã hết khả năng sử dụng trong chiến tranh hiện đại.

Đồng thời, chiến thuật (tầm bay thấp) đã làm giảm đáng kể hiệu quả của các đòn tấn công đường không, do số lượng máy bay trong các phi đội quá nhỏ và đòi hỏi trình độ bay của phi công rất cao.

Tính đến những tổn thất nặng nề của không quân, khi cố gắng tiêu diệt các đơn vị tên lửa, bộ Tổng tham mưu quân đội Mỹ đã ra quyết định áp dụng loại máy bay tác chiến điện tử- máy bay được trang bị thiết bị đặc biệt của không đoàn Wild Weasel . Nhưng máy bay này, thời điểm đầu tiên là F-100F, sau đó là F-105F, đến gần cuối năm 1972 – F-4C và F-105G.

Những máy bay này được trang bị thiết bị phát hiện và chế áp điện tử, sóng của đài phát radar tên lửa, đồng thời sử dụng tên lửa tự dẫn bám theo sóng radar AGM-45 Shrike, sau này hoàn thiện hơn là AGM-78 Standard-ARM giành được quyền chủ động trên không vào ngày 20 tháng 12 năm 1965.

Tính đến ngày 11 tháng 7 năm 1966 bảy máy bay F-100F Wild Weasel đã đánh trúng 9 khẩu đội tên lửa, chỉ có một chiếc bị bắn rơi, 2 chiếc khác đâm vào nhau khi tránh hỏa lực phòng không.

Từ tháng 1 đến tháng 12 năm 1966

Bắt đầu năm 1966 đánh dấu một giai đoạn mới của không quân cả hai bên, ở giai đoạn này, không quân Mỹ sử dụng các phương thức tác chiến kỹ thuật mới và đồng thời không quân và không quân Hải quân Mỹ xuất hiện nhiều loại máy bay tiêm kích mới.

Nhờ có các thiết bị phát hiện, gây nhiễu và chế áp điện tử, không quân Mỹ đã quản lý được  tầm bay thấp và có thể tổ chức được các phi đoàn máy bay với số lượng lớn, chọc thủng tuyến phòng không và tấn công ồ ạt các mục tiêu ở tầm trung trong khoảng cách gần mục tiêu.

Cùng với việc nhân được các máy bay MiG-17 từ Liên bang Xô Viết và Trung quốc, từ năm 1966, không quân Việt Nam sử dụng một số máy bay MiG- 17 cải tiến, dù không được phát triển rộng rãi.

Đó là các máy bay MiG-17PF (J-5A) với radar “Emerald” và 3 khẩu pháo HP-23 mm. Theo đơn đặt hàng của Việt Nam, Tiệp Khắc cũng chế tạo mẫu máy bay MiG- 15, trang bị hai khẩu 23mm và tên lửa R-3S ở vị trí của pháo 37mm lắp thiết bị dò tìm hồng ngoại. Sau này, vào năm 1968, Không quân Việt Nam sử dụng MiG 17F với pháo tiêu chuẩn và hai tên lửa tự dẫn R-3S.

Sơ đồ tấn công của máy bay Mỹ và đánh chặn của MiG 17Sơ đồ tấn công của máy bay Mỹ và đánh chặn của MiG 17

Sau này, theo các nguồn thông tin không chính thức, tháng 2 năm 1966, không quân Việt Nam tiếp nhận máy bay siêu âm F-6 (MiG -19) sản xuất tại Trung Quốc, có tốc độ cao và trang bị vũ khí mạnh hơn MiG-17. Nhưng không được sử dụng rộng rãi, các hoạt động tích cực của F-6 chỉ bắt đầu vào mùa thu năm 1972 khi chiến tranh trên không đã chấm dứt.

Cú shock thật sự của người Mỹ chỉ bắt đầu khi máy bay MiG- 21 thực sự tham chiến. Từ những năm 1965, Liên bang Xô viết có đề nghị Trung Quốc cho phép triển khai các trung đoàn MiG- 21 ở địa phận Trung Quốc để bảo vệ bầu trời Hà Nội và Hải phòng nhưng bị từ chối.

Máy bay MiG 21 trực tiếp tham gia vào ngày 23 tháng không có kết quả. Ngày 26 tháng 4, không quân Mỹ bắn hạ 1 chiếc MiG 21 đầu tiên. Không quân Việt Nam sử dụng chủ yếu MiG-21PF-V (mẫu số 76-MiG-21PR đã được nhiệt đới hóa, các thiết bị được mạ lớp vật liệu chống rỉ, sau này là MiG-21PFM (Mẫu 94 với ghế phi công kiểu KM-1), trong biên chế của không quân Việt Nam còn có mẫu MiG-21 F-13 ( Mẫu 74 do Tiệp Khắc sản xuất).

Các sơ đồ chiến thuật của MiG 21 khi không chiến với máy bay F-4 Phantom IICác sơ đồ chiến thuật của MiG 21 khi không chiến với máy bay F-4 Phantom II

Đối thủ quan trọng lúc này của F-4 Phantom II là máy bay siêu âm MiG 21F-13(МиГ-21Ф-13) một phần do Tiệp Khắc sản xuất và MiG 21PF đã được nhiệt đới hóa. Sử dụng radar bám mục tiêu tương tự như máy bay F-4, MiG 21 sử dụng tên lửa có điều khiển và tự dẫn hồng ngoại R-3S hoặc sử dụng các ống phóng rocket không điều khiển S-5.

Bộ tư lệnh không quân và hải quân Mỹ vẫn đặt toàn bộ hy vọng vào máy bay chiến thuật F-4 hiện đại, có vũ khí mạnh, radar điều khiển mạnh, có tốc độ cao và khả năng tăng tốc nhanh cùng với những kỹ chiến thuật chống MiG thành thạo. Về lý thuyết chiến trường, F-4 mạnh hơn MiG-21 nhiều lần.

Nhưng từ khi đối đầu với MiG 21 F-4 mất dần những ưu thế tuyệt đối của nó và bắt đầu chịu các tổn thất nặng nề. từ tháng năm đến tháng 12 năm 1966, lực lượng không quân Mỹ trong các trận đánh trên không đã mất 47 máy bay, phía không quân Việt Nam tổn thất 12 máy bay.

Thông số cơ bản xác định tính cơ động của máy bay tiêm kích là tốc độ bẻ góc, trong đó 85% sự tăng tốc là giảm tải trọng riêng trên cánh, và chỉ có 15% được sử dụng để lấy góc nghiêng. Cơ động là nền tảng của phòng thủ, và phòng thủ tốt là đảm bảo tốt hệ số sống còn trong các trận không chiến.

Tải trọng riêng trên cánh của MiG 21 là 340kg/cm2, còn tải trọng của F-4 là 490kg/cm2. do đó khả năng sống còn của MiG 21 là 0,93 còn của F-4 là 0,83.

Khối lượng tải trọng trên cánh máy bay với tốc độ vòng chậm của máy bay tiêm kích Mỹ, khả năng chịu tải của Phantom so với MiG (6,0 chống lại 8,0 của MiG-21PF) và các góc tấn công của MiG, máy bay F-4 bị bỏ qua. Các chuyên gia không quân Mỹ thừa nhận khả năng bay xoắn lò xo của máy bay Mỹ kém hơn hẳn so với MiG.

Đồng thời, khả năng bay thẳng đúng chiếm độ cao của F-4 cũng kém hơn MiG ( của F-4 là 0,74, của MiG là 0,79).  Đồng thời, độ tin cậy bay xoắ ốc của F-4 kém hơn MiG. Khi F-4 đã rơi vào vòng xoắn trôn ốc trên mặt phẳng ngang, các phi công có trình độ trung bình sẽ không thể thoát khỏi.

Theo thông báo của chính bên Mỹ, chỉ riêng năm 1971 do rơi vào vòng xoắn trôn ốc trong các cuộc truy đuổi, Mỹ mất đến 79 Phantom II. Radar của F-4 có khả năng phát hiện mục tiêu rất xa và bám dính, nhưng khả năng chống nhiễu rất kém.

Buồng lái của phi công và hoa tiêu được lắp dầy đặc các bảng điều khiển và nút bấm, công tắc, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của phi công và hoa tiêu. Nhưng F-4 cũng có những điểm nổi trội hơn so với MiG – 21.

Khả năng tăng tốc của F-4 cao hơn, từ tốc độ 600 km/h – 1000 km/h mất 20 s, còn MiG 21 mất 27s. tốc độ cất cánh cao hơn, khả năng nhìn quanh của phi công tốt hơn, sự có mặt của hoa tiêu khi theo dõi bầu trời cũng làm chủ được tình thế, nhanh chóng báo cho phi công biết mối đe dọa từ phía sau.

Đồng thời, lượng vũ khí trên MiG- 21 kém hơn rất nhiều lần so với F-4. Với những máy bay MiG 21 thế hệ đầu tiên, lượng vũ khí ít cộng với radar công suất thấp, không có khả năng chống nhiễu cũng là điểm yếu rất lớn của MiG 21.

Những trận không chiến cho thấy, do nhỏ hơn F-4 về tải trong riêng trên cánh, do đó MiG có khả năng cơ động tốt hơn trên mặt phẳng ngang, đặc biệt trên tầm cao và tầm trung. Các phi công Việt Nam rất dũng cảm lao vào các trận cận chiến. Nhưng máy bay MiG 21 chỉ có 2 tên lửa R-3S, chịu tải trọng rất nhỏ khi phóng ( 1,4 đơn vị) .

Lớn hơn tên lửa không rời khỏi bệ phóng, bộ phận tách tên lửa sẽ khóa an toàn. Chính vì vậy, trong trường hợp cơ động săn đuổi và thoát hiểm, việc phóng R-3S rất khó. Không có súng máy phòng không cũng là điểm rất yếu của MiG 21, sau khi phóng 2 quả tên lửa máy bay MiG không còn vũ khí, và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến MiG bị tổn thất nhiều.

Trong giai đoạn này, MiG 21 ở Liên Xô có phương án cho MiG 21PF/PFM thêm ổ súng treo GP-9 với pháo GS-23 mm. Súng đại bác GP-9 đã được lắp cho máy bay MiG 21 trong cuộc chiến tranh xung đột Ấn Độ với Pakistan năm 1971. Đồng thời cũng vào thời gian này, súng 23 mm G9 mới được trang bị cho MiG -21 PFM

Với vấn đề này, sau khi Phantom F-4B/D/J khi va chạm với MiG 17 vốn không có súng, đã vội vã trang bị cho máy bay các ổ súng máy treo. Giai đoạn cuối MiG 21 cũng được trang bị thêm súng máy ở cánh, loại máy bay MiG -21M. Đồng thời, MiG có radar tương đối yếu, do đó phụ thuộc nhiều vào các trạm điều khiển mặt đất. Nhưng đồng thời không có radar hạng nặng cũng làm cho máy bay cơ động hơn nhiều.

Vào những năm 1965, trên căn cứ không quân Đà Nẵng để đối phó với MiG 21 đã chuẩn bị một không đoàn máy bay tiêm kích nổi tiếng F-104 S Starfighter. Nhưng chưa kịp xuất kích, phi đoàn này đã cho thấy khả năng không hiệu quả của máy bay và chỉ dùng để tấn công mục tiêu mặt đất, cũng chỉ ở Miền Nam.

Trong 4 tháng đầu tiên của năm 1966, các trận không chiến có 11 máy bay của Mỹ bị rơi, không quân Việt Nam tổn thất 9 máy bay MiG. Tỷ lệ là 1,2:1 ( người Mỹ công nhận là có 6 chiếc) nhưng từ khi đưa MiG 21 vào trận, tỷ lệ tổn thất biến đổi hẳn. Từ tháng 5 đến tháng 12 người Mỹ mất đến 47 chiếc máy bay, trong đó Việt Nam mất 12 chiếc MiG, tỷ lệ đã là 4:1.

Nhận thấy những điểm yếu của MiG 21, các phi công Việt Nam đã áp dụng chiến thuật tấn công tên lửa liên tục, đặc biệt hiệu quả khi đối phương có số lượng đông. Lượng vũ khí tên lửa có trên các đời máy bay sau này (MiG 29, Sukhoi) và những tính năng cơ động đã áp dụng chiến thuật này.

Các máy bay MiG 21 từ ổ phục kích sử dụng tốc độ cao tiếp cận mục tiêu, phóng tên lửa tự dẫn hồng ngoại hoặc bán chủ động dẫn đường radar đuổi theo nhằm vào nguồn nhiệt (lửa) phụt ra từ đuôi máy bay. MiG – 21 phóng tên lửa có điều khiển khi bám đuôi với vận tốc lên đến 1,2 M, sau đó máy bay với vận tốc cao như vậy lướt qua đội hình của đối phương và bẻ cần lái rẽ thoát khỏi trận đánh. Chiến thuật này thông thường phá nát đội hình hành tiến của đối phương buộc các máy bay địch phải cơ động làm mồi cận chiến cho máy bay MiG 17.

Chiến thuật này cũng đòi hỏi trình độ lái vô cùng điêu luyện của phi công chiến đấu, có trình độ điều khiển cao, đồng thời trạm radar dẫn đường cũng phải rất thông minh quyết đoán trong tấn công, đảm bảo tính bất ngờ và khả năng khó bán đuổi của đối phương. Lực lượng không quân Việt Nam thường sử dụng chiến thuật đa tiêm kích, phối hợp giữa MiG 17, 19 và 21.

MiG 17 có tốc độ dưới âm, tấn công buộc máy bay cường kích ném bom phải bay lên phía trên, ở đó MiG 21 đã chờ sẵn, thả thùng dầu phụ và đột ngột cơ động tấn công bằng tên lửa. cũng có những trường hợp máy bay MiG 17 đóng vai trò mồi nhử, F-4 khi tấn công MiG 17 đã tự đưa mình vào tầm tấn công của tên lửa MiG 21.

Về lý thuyết, chiến thuật này không mới, nhưng trên địa hình Việt Nam, với 3 tầng lưới lửa phòng không và số lượng máy bay Mỹ tham chiến thông thường gấp 6 lần hoặc hơn nữa thì đó là một vấn đề quá khó khăn đối với các phi công tiêm kích của Mỹ.

Từ tháng 1 năm 1967 đến tháng 3 năm 1968

Tổn thất ngày một tăng của không quân khiến Mỹ phải có giải pháp khẩn cấp. Phi công tiêm kích, nếu có sỗ giờ bay nhỏ 1500 – 2000 giờ bay, buộc phải quay về các căn cứ đặc biệt để tái huấn luyện.

Chương trình huấn luyện dày đặc và nặng nề có bao gồm cả những chiến thuật cận chiến và cơ động nhanh vốn đã bỏ quên từ lâu nay được khởi động lại với những máy bay mẫu có tốc độ tương đương, đồng thời được áp dụng thêm khả năng tránh và chống lại tên lửa và súng phòng không mọi cỡ nòng. Huấn luyện lại các chiến thuật cơ động tự do, tác chiến cơ động trong đội hình phi đội.

Sau các đợt tập huấn, trình độ bay của phi công cao hơn hẳn, và cũng đã có những kết quả khả quan trong không chiến, nhưng với sức mạnh dữ dội của hỏa lực phòng không, đồng thời các phi công Việt Nam cũng tìm ra cách đánh hiệu quả hơn, theo đề xuất của các chuyên gia quân sự Xô Viêt, các phi đội MiG đánh chặn đối phương trên đường bay hành trình vào mục tiêu, khi máy bay mang nặng vũ khí, tấn công và thoát ly chiến trường, buộc máy bay Mỹ phải ném bom sớm và hạ thấp độ cao, dành trận địa cho tên lửa và pháo phòng không các cỡ nòng.

Không quân Mỹ chuyển sang đánh phá các sân bay quân sự của Việt Nam. Nhằm chặn khả năng xuất kích của máy bay MiG, mục tiêu chủ yếu là đường băng và các khu vực kho tàng quân sự.

Mặc dù không quân Mỹ đã rất cố gắng, nhưng tổn thất trên bầu trời Việt Nam tiếp tục tăng. Nếu tuần cuối cùng của tháng 7, 11 máy bay bị bắn hạ, thì tuần đầu tiên của tháng 8 là 13, và sau đó con số 2 máy bay bị bắn rơi một ngày đã trở thành chuyện bình thường trong truyền thông.

Theo những thông số của Bộ Tư lệnh quân chủng phòng không không quân Việt Nam, năm 1967 trong các trận không chiến đã hạ 124 máy bay Mỹ và tổn thất 60 máy bay MiG, theo công báo của không lực Mỹ phía Việt Nam tổn thất 76 máy bay, không quân Mỹ hạ 59, số còn lại do không quân Hải quân Mỹ bắn hạ.

Như vậy, tỷ lệ tổn thất 2:1 được lập ra trong thời kỳ đầu của chiến tranh, lại được thiết lập lại, điều đó khẳng định sự thay đổi thường xuyên về chiến thuật của cả hai bên tham chiến. Với mỗi một phương thức tác chiến mới của không quân Mỹ, lực lượng PKKQ Việt Nam lại nhanh chóng tìm ra giải pháp nhằm khống chế ưu thế trên không của đối phương.

Tháng 6 năm 1971, người Mỹ lại ném bom miền Bắc lần thứ II

Ngày 16 tháng 4 hai chiếc MiG 21MF (đã cải tiến, có thêm pháo GS 23mm) tham chiến cùng với 12 Phantom II, 2 máy bay MiG bị bắn rơi.

Ngày 27 tháng 3 Phi đoàn F4 gặp phi đội 2 chiếc MiG 21 và không chiến, F4 bị bắn hạ một chiếc.

Ngày 6 tháng 5, phi đội F-4 tập kích phi đội MiG 21 đang chuẩn bị tấn công máy bay cường kích A-7. một chiếc MiG 21 bị trúng tên lửa. Cũng trong ngày hôm đó, một phi đoàn F-4 không chiến với phi đội 4 chiếc MiG 21. Một chiếc MiG 21 bị tấn công bởi 6 quả tên lửa, nhưng phi công tránh thoát, sau đó anh quay lại tham chiến và bị tấn công thêm 3 quả tên lửa, máy bay bị thương nặng, nhưng phi công nhẩy dù được.

Ngày 8 tháng 5 Không quân Mỹ bắt đầu chiến dịch Linebacker I, kéo dài đến 23 tháng 10. Trận đánh lớn nhất của không quân Việt Nam là ngày 10 tháng 5 khi không quân Việt Nam thực hiện 64 lần xuất kích, triển khai 15 trận đánh và bắn rơi 7 máy bay F-4. Ngược lại, không quân Việt Nam cũng mất 2 MiG-21, 2 MiG-17 và 1 J-6.

Trong một trận không chiến vào 10 tháng 5 Phi đoàn MiG 17 xuất kích để giải tỏa một sân bay quân sự đang bị không kích. MiG 17 bí mật bay với độ cao thấp, ẩn nấp theo địa hình tiếp cận đối phương và ngay trong lần cận chiến đầu tiên bắn hạ 1 máy bay F-4. Phi đội 2 MiG-17 quần chiến với 4 máy bay F-4 và bị bắn hạ một chiếc.

Nhưng khi F-4 và MiG 17 lăn xả vào vòng xoáy truy đuổi nhau thì từ sân bay đang bị phong tỏa xuất kích 2 MiG 21, nhanh chóng chiếm độ cao, ở khoảng cách 2 km MiG 21 phóng R-3S bắn hạ 2 F-4 với 2 tên lửa.

Sơ đồ tác chiến của MiG 21Sơ đồ tác chiến của MiG 21

Ngày 11 tháng 5 hai máy bay MiG – 21, bay làm mồi nhử kéo 4 chiếc F-4 vào ổ phục kích của 2 chiếc MiG 21 bay ở độ cao thấp, MiG triển khai tấn công và 3 tên lửa tiêu diệt 2 máy bay F-4.

Ngày 13 tháng 6, một phi đoàn MiG21 đánh chặn một nhóm F-4 Phantom II. Lao vào giữa đội hình, 2 máy bay MiG 21 đã làm đội hình chiến đấu của F-4 tan vỡ, các máy bay Phantom hoảng loạn cơ động. Hai máy bay MiG còn lại phóng tên lửa hạ 2 chiếc F-4.

Ngày 18 tháng 5, Không quân Việt nam đã 26 lần xuất kích và triển khai 8 trận đánh, bắn rơi 4 máy bay F-4, phía Việt Nam không có tổn thất. Trong một trận đánh cùng ngày, 2 máy bay MiG 21 đánh chặn một phi đội F-4, chỉ huy trưởng phi đội, đại úy Ngự khi quay nửa vòng xoáy đã phóng tên lửa tiêu diệt một F-4.

Mùa hè năm 1972, tần suất hoạt động của không quân Mỹ giảm xuống. Ngày 12 tháng 6 phi đoàn máy bay Phantom đụng độ với 2 máy bay MiG 21 và bị rơi một chiếc, ngày tiếp sau lại có hai cuộc không chiến giữa F-4 và MiG 21, không quân Mỹ mất thêm 2 chiếc F-4 nữa. Phía Việt nam không có tổn thất.

Như vậy mùa xuân và mùa hè năm 1972, có 360 máy bay Mỹ tham chiến trên chiến trường miền Bắc và 96 máy bay của không quân hải quân, đại đa số là máy bay F-4 mẫu nâng cấp cuối cùng. Chống lại khối lượng vũ khí khổng lồ này là 187 máy bay không quân Việt Nam MiG 17, MiG 21 và J-6. Trong số đó chỉ có 71 máy bay có khả năng tác chiến, trong đó có 31 MiG 21.

Vào tháng 12 năm 1972, không quân Mỹ tiến hành chiến dịch tấn công ồ ạt trên toàn bộ miền Bắc, tập trung vào các thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác Linebacker II, nhằm mục đích đạt được mục tiêu chính trị trên bàn hội nghị Pari.

Để đạt được mục tiêu tàn phá các trung tâm kinh tế, quân sự của Miền Bắc Việt Nam, không quân Mỹ đã sử dụng hầu hết máy bay chiến lượng B-52 ở châu Á Thái Bình Dương.

Kế hoạch chuẩn bị một chiến dịch lớn với số lượng máy bay khổng lồ đã không giữ được bí mật, lực lượng Phòng không – Không quân Việt Nam đã chuẩn bị cho Không quân Mỹ một đòn đánh quyết liệt. Các máy bay MiG 21 đã được cất giấu trong những sân bay dã chiến và được ngụy trang kỹ càng. Sẵn sàng xuất kích bằng bộ hỗ trợ tăng tốc bằng thuốc phóng.

Sơ đồ tấn công sân bay của máy bay MỹSơ đồ tấn công sân bay của máy bay Mỹ

Tháng 9 năm 1972, duy nhất có một trận không chiến có sự tham gia của cố vấn quân sự, phi công Xô Viết. Trên máy bay MiG 21US huấn luyện 2 chỗ ngồi, không được trang bị vũ khí, phi công tiêm kích Việt Nam và cố vấn quân sự Xô Viết thực hiện chuyến bay huấn luyện thường xuyên.

Ở tầm xa 8km cách sân bay họ nhận được thông báo về một tốp F-4 đang tiếp cận ở độ cao thấp. Lúc đó MiG 21 còn lại 800 lít dầu. Thực hiện kỹ thuật thùng trượt, đội bay thoát khỏi đòn tấn công tên lửa thứ nhất, sau đó F-4 liên tục tấn công bằng tên lửa 2 lần liên tiếp, nhưng MiG US với kỹ thuật xoáy vít đã thoát khỏi, tên lửa bay trượt mục tiêu, lần thứ 3 F-4 lại tiếp tục tấn công và cũng không thu được kết quả.

Nhưng những lần cơ động đó đã tiêu hao toàn bộ lượng dầu còn lại của MiG 21. Quyết định thông minh cuối cùng là nhẩy dù, khi MiG 21 lấy độ cao thì động cơ chết máy, 2 phi công bung dù khi chiếc MiG 21US anh dũng trúng tên lửa trong lần tấn công thứ 4. Đội bay Việt Xô tiếp đất an toàn.

Trong 12 ngày chiến dịch Linebacker II trong 8 trận không chiến, người Mỹ đã triệt để sử dụng kỹ thuật gây nhiễu tích cực, kỹ thuật này đã gây rất nhiều khó khăn cho các phi công MiG 21, do không ít lần trên màn hình radar vũ khí của MiG21 hoàn toàn bị tín hiệu nhiễu phủ kín, các phi công Việt Nam phải bắn bằng kính ngắm thường và sử dụng tên lửa tự dẫn hồng ngoại, nhưng khi sử dụng tên lửa tự dẫn hồng ngoại, tầm bắn bị giảm sút và khoảng cách phóng cũng không chính xác.

Đây cũng là điểm yếu nhất của MiG 21 về radar bám và theo dõi mục tiêu. Dù vậy, trong 8 trận không chiến, không quân Mỹ cũng bị mất 7 máy bay, trong đó có 4 F-4. Đồng thời Không quân Việt Nam cũng mất 3 chiếc MiG 21. Dù với lực lượng phi công đã được huấn luyện kỹ về các chiến thuật chống MiG-21, đồng thời với chiến thuật áp dụng nhiễu dày đặc và bay đêm. Người Mỹ vẫn bị tổn thất nặng nề.

MiG 21 tấn công (Mô phỏng 3D)MiG 21 tấn công (Mô phỏng 3D)

Để phục vụ cho mục tiêu chiến lược, biết được tâm lý sợ MiG 21 và tên lửa SAM S75 của phi công Mỹ, các máy bay MiG 21 thực hiện chiến thuật không tham gia vào không chiến tay đôi, các máy bay MiG được lệnh đánh chặn từ xa, bất ngờ tấn công phóng tên lửa phá đội hình đối phương (không cần kết quả) sau đó thoát ly chiến trường và trở về sân bay, buộc các máy bay tiêm kích ném bom nặng nề F-4 phải hạ độ cao cho hỏa lực phòng không dày đặc trên mặt đất. Mặc dù chiến thuật như vậy, nhưng MiG 21 vẫn chiến ưu thế về tốc độ và khả năng cơ động trong những tầm bay trung bình và thấp trước F-4E và F-4J.

Ngày 22 tháng 12 năm 1972, đánh chặn cuộc tấn công của máy bay Mỹ, phi đội 2 chiến MiG 21 cất cánh, trong không chiến, một MiG bị bắn hạ. Ngày 23 tháng 12, phi đội 4 chiếc MiG 21 cất cánh và bắn hạ 1 F-4, ngày 27 phi đội MiG 21 lại cất cánh và không chiến với phi đoàn F-4, 2 F4 bị bắn rơi. Ngày 27 tháng 12, 2 máy bay MiG 21 trực chiến trên sân bay Nội Bài, theo thông báo của radar mặt đất phát hiện một phi đoàn F 4. MiG 21 bay ở độ cao thấp 300 m so với mặt đất, bí mật tiếp cận mục tiêu, tăng tốc và lấy độ cao.

Mục tiêu được phát hiện bằng mắt thường ở khoảng cách 8 km, sau khí xin lệnh tấn công, MiG 21 bất ngờ tiếp cận mục tiêu, F-4 không kịp triển khai đội hình phòng thủ, MiG 21 đã áp sát và phóng tên lửa diệt 1 F4. Chỉ huy đội bay khi quay về phát hiện thêm 2 F4 đáng bám phi công số 2, bằng 1 kỹ thuật cơ động điêu luyện số 1 đã phá đội hình đối phương, cắt số 2 khỏi tốp F4.

Vòng xoáy hỗn chiến xảy ra giữa từng đôi MiG và Phantom II, kết quả số 1 thoát khỏi truy đuổi của F-4 hạ cánh an toàn, số 2 khi thực hiện xoáy trôn ốc lên cao đã bắn hạ thêm một F-4, nhưng máy bay cũng bị thương nặng do tên lửa Sidewinder nổ gần với ống xả phản lực. Phi công Việt Nam nhảy dù an toàn.

Trong đợt không kích của B-52, do sợ MiG 21 tấn công, F-4 đã đóng vai trò mục tiêu giả và phục kích, phi đội F-4 bay với tốc độ hành trình và đội hình đi sát với nhau. Trên màn hình radar mục tiêu tương tự như mục tiêu B-52, khi MiG tấn công, F-4 sẽ bay tản ra, cơ động tấn công MiG.

Trong các tài liệu của không quân Việt Nam không có nguồn tài liệu nào ghi lại một trận đánh như vậy. Nhưng 2 máy bay B-52 đã bị MiG-21 bắn hạ, một chiếc bị phi công anh hùng Phạm Tuân bắn hạ ở tầm bắn 2000 m. một chiếc bị phi công anh hùng Vũ Quang Thiều bắn trong tầm bắn gần, máy bay đã lao vào điểm nổ. anh hùng phi công Vũ Quang Thiều hy sinh.

Trong cả năm 1972, giữa không quân Mỹ và không quân Việt Nam xảy ra 201 trận không chiến. Phía Việt Nam mất 54 máy bay, trong đó có 36 máy bay MiG 21 và 1 máy bay huấn luyện MiG 21 US. Phía Mỹ thiệt hại 90 máy bay trong đó có 74 máy bay F-4 và 2 máy bay trinh sát RF-4C. Riêng MiG 21 diệt 67 máy bay đối phương.

Chiến thắng kỳ lạ cuối cùng của người Mỹ trong cuộc chiến tranh không quân ở Việt Nam là máy bay F-4J Phantom II cất cánh từ tầu sân bay MidWay, chỉ huy trung úy Victor Covalevski bằng một tên lửa Sidewinder bắn hạ một máy bay MiG 17, nhưng cũng sau hai ngày, chính chiếc F-4J này cũng bị bắn hạ trên bầu trời Việt Nam, nó cố lết ra biển và rơi, 2 phi công được cứu thoát.

Như vậy, tỷ lệ 2/1 gần như được giữ suốt cuộc chiến tranh trên không giữa không quân Mỹ và không quân Việt Nam. Từ góc độ kỹ chiến thuật, có thể nhận thấy rằng: Mặc dù liên tục thay đổi chiến thuật và phương thức tác chiến, vũ khí trang bị, với những phi công dày dạn kinh nghiệm và có số lượng giờ bay hơn rất nhiều lần, nhưng không quân Mỹ cũng không thể tiêu diệt được lực lượng không quân Việt Nam, mà còn bị tổn thất nặng nề, với không gian thu hẹp của chiến trường Miền Bắc Việt Nam, với gần 4000 máy bay bị tổn thất, có thể nói. Người Mỹ đã thua trên bầu trời Miền Bắc Việt Nam.

Nguyên nhân:

Phi công Mỹ phải chiến đấu trên 2 mặt trận: Vừa phải chống lại những phi công MiG điêu luyện, vừa phải chống lại những khiếm khuyết kỹ thuật của F-4 nặng nề. Nếu phi công được huấn luyện cho phương thức tác chiến năng động, cơ động, nhưng lại phải điều khiển một máy bay kém cơ động.

Đó là một vấn đề, F-4 chỉ có khả năng né tránh một cuộc công kích do quá nặng nề, mà không có khả năng phản kích do máy bay MiG 21 nhẹ hơn, góc ngoặt và khả năng tăng tốc cao hơn để chiếm vị trí thuận lợi cho tấn công.

Trong điều kiện hộ tống máy bay ném bom đến mục tiêu cần đánh phá, nhiệm vụ đặt ra đã làm cho F-4 không có khả năng chủ động tác chiến tự do, cơ động và hỗn chiến cùng với máy bay đối phương, mà chỉ có khả năng chống trả và phòng ngự thụ động.

Khi xuất hiến nhóm tiêm kích “topgun” Tình hình chiến trường có thay đổi, nhưng sức mạnh của tên lửa S-75 và lưới lửa phòng không mặt đất dày đặc đã khóa khả năng tác chiến của những phi công có trình độ chiến thuật cao. Do đó, với sự phối hợp giữa đài radar trinh sát dẫn đường, tên lửa phòng không và pháo phòng không với không quân đã tăng khả năng tác chiến của không quân Việt Nam nhiều lần.

Các phi công Việt Nam đã thành công trong việc áp đặt cách đánh đối với phi công Mỹ, kế hoạch phục kích và tấn công đã buộc không quân Mỹ vào thế phòng thủ bị động, khi chuyển sang tấn công cũng thụ động và kém linh hoạt hơn.

Mặc dù tỷ lệ tổn thất của máy bay Mỹ so với tỷ lệ tổn thất của MiG khá cao 2:1 nhưng rõ ràng khả năng tổn thất sẽ giảm hơn nếu những phi công Việt Nam có số giờ bay cao hơn, kinh nghiệm tác chiến cao hơn và sử dụng triệt để tính năng kỹ chiến thuật của MiG 21.

Sơ đồ hoạt động tác chiến của không quân Việt NamSơ đồ hoạt động tác chiến của không quân Việt Nam

Bài học kinh nghiệm: Cuộc chiến tranh trên không phận Việt Nam để lại nhiều dấu ấn đặc biệt, lực lượng không quân còn non trẻ của Việt Nam đã thành công trong việc đối đầu với lực lượng không quân hùng mạnh, dày dạn kinh nghiệm của Mỹ.

Có nhiều vấn đề còn phải bàn cãi, nhưng nếu lực lượng không quân Việt Nam có được sự đầy đủ về vũ khí trang bị và phương tiện chiến tranh, kinh nghiệm tác chiến cũng như thời gian huấn luyện tác chiến, thì tổn thất của người Mỹ trong cuộc không chiến này sẽ không dừng lại ở tỷ lệ 2/1 và chỉ có 2 B52 bị MiG 21 tiêu diệt trên bầu trời Hà Nội.

Không chiến ở Việt Nam đã khẳng định: tốc độ, sức cơ động với chiến thuật thông minh, nắm chắc tính năng kỹ chiến thuật của phương tiện, đồng thời với sự chỉ huy năng động, sáng tạo, đồng bộ chặt chẽ từ ban chỉ huy cấp chiến lược, chiến dịch  đến sự tuân thủ tuyệt đối của người phi công với người chỉ huy trực tiếp của mình quyết định sự thành bại trên chiến trường.

Sức mạnh của lực lượng không quân trong không chiến phần lớn phụ thuộc vào sự phối kết hợp các phương tiện hỏa lực, phương tiện trinh sát, cảnh báo sớm và khả năng khai thác tuyệt đối tính năng kỹ chiến thuật của phương tiện bay, đồng thời là sự năng động, sáng tạo, trình độ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của phi công trên cánh bay. Phối kết hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong đội bay và tuân thủ mệnh lệnh.

Trong chiến tranh hiện đại, những máy bay tiêm kích đa dụng như F 16, F18, MiG 29, SU 30MK có rất nhiều điểm mạnh, hệ thống radar công suất lớn, tên lửa không đối khống có khả năng tấn công từ tầm rất xa, súng máy rất mạnh, tính cơ động rất cao. Nhưng cuộc không chiến dường như không phải đơn thuần là cuộc đối đầu về kỹ thuật.

Và còn là cuộc đối đầu vể năng lực tác chiến, kỹ năng cơ động tấn công và phòng thủ, đặc biệt là kỹ năng phát hiện mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, tránh tên lửa không đối không và các kỹ xảo bay phức tạp, cận chiến và thoát hiểm.

Dù chiến tranh đã qua đi rất lâu, nhưng phân tích những bài học kinh nghiệm của các cuộc không chiến, những kỹ năng mà phi công cả hai bên thực hiện trong cuộc đối đầu không cân sức, những chiến thuật mà hai bên thực hiện, những chiến thắng và tổn thất vẫn là bài học quan trọng trong chiến tranh hiện đại.

Theo Trịnh Thái Bằng/Giáo Dục Quốc Phòng Việt Nam

giaoduc.net.vn

Phát triển cao của nghệ thuật giành và giữ quyền chủ động chiến dịch

Tháng Năm 25, 2011 Bình luận đã bị tắt


Chiến dịch phản công Đường 9- Nam Lào

QĐND – Thực hiện mục tiêu “bóp nghẹt” cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam, Mỹ, ngụy mở “Cuộc hành quân Lam Sơn 719” đánh vào vùng Đường 9-Nam Lào. Đây là một trong ba cuộc tiến công quy mô lớn của địch nhằm đánh phá, cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của ta từ gốc, hủy diệt cơ sở hậu cần chiến lược và làm cho lực lượng vũ trang ta ở miền Nam suy yếu, không thể tập trung đánh lớn trong mùa khô năm 1971-1972, để Mỹ dễ dàng thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, giành thế chủ động trên chiến trường.

Để đập tan mưu đồ đen tối của địch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã quyết định mở Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào, chiến dịch quy mô lớn, tác chiến hiệp đồng binh chủng nhằm tiêu diệt lớn quân địch, bảo vệ vững chắc tuyến hành lang vận chuyển chiến lược và hậu phương của ta, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch và đánh phá “bình định” của chúng.

Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào diễn ra trong 52 ngày đêm (từ 30-1 đến 23-3-1971). Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa chiến lược to lớn, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng và cục diện chiến trường, tạo thời cơ, điều kiện để ta mở các chiến dịch tiến công tiêu diệt lớn quân địch, giải phóng từng vùng địa bàn chiến lược quan trọng, thúc đẩy tiến trình phát triển của cách mạng miền Nam. Thắng lợi của chiến dịch khẳng định sự trưởng thành mọi mặt của Quân đội ta, đánh dấu bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự nói chung, nghệ thuật chiến dịch phản công nói riêng, trong đó có nghệ thuật giành và giữ quyền chủ động chiến dịch.

Trước đối tượng tác chiến có quân số đông, hỏa lực mạnh, sức cơ động nhanh, nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào đã giải quyết thành công nhiều vấn đề của việc giành và giữ quyền chủ động. Đó là, ta sớm nắm được ý định, phán đoán đúng hướng tiến công chiến lược của địch trong mùa khô năm 1970-1971, chủ động chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất; chỉ đạo chiến dịch tổ chức trinh sát thực địa, chuẩn bị chiến trường, xây dựng công sự trận địa phòng ngự, luyện tập phương án tác chiến, đồng thời từng bước cơ động triển khai và bố trí lực lượng tại chỗ, lực lượng cơ động đứng chân sẵn trên các khu vực kịp thời đón đánh địch. Ta đã chủ động xây dựng quyết tâm, kế hoạch tác chiến, lựa chọn đúng khu vực tác chiến chủ yếu, làm tốt việc giành quyền chủ động từ tay địch. Trên hình thái chung của chiến trường, ta không chọn đoạn từ Lao Bảo về phía Đông là khu vực tác chiến chủ yếu vì địa hình trống trải, gần các căn cứ lớn do quân ngụy và Mỹ phòng giữ. Nếu chọn khu vực này, khi ta tập trung lực lượng, binh khí kỹ thuật thì khó giữ bí mật, bất ngờ, dễ bị hỏa lực của địch sát thương và không có khả năng tiêu diệt lớn quân địch. Chiến dịch xác định đoạn từ Lao Bảo đến Bản Đông là khu vực tiêu diệt địch chủ yếu, địa hình khu vực này thuận lợi cho tác chiến hiệp đồng binh chủng, vừa đạt mục đích bảo vệ được các mục tiêu chiến dịch trọng yếu và vừa tiêu diệt lớn quân địch. Ta chủ động không chặn đứng quân địch ở Lao Bảo, để cho chúng vượt qua, tổ chức lực lượng ngăn chặn từng bước và phòng giữ chắc phía tây Bản Đông, kiên quyết không cho địch tiến lên đánh chiếm Sê Pôn. Sử dụng lực lượng tại chỗ ngăn chặn, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, tiêu diệt từng bộ phận, làm suy giảm sức tiến công của địch; đồng thời, sử dụng lực lượng cơ động tập trung đánh những trận then chốt, bẻ gãy cánh quân phía Bắc, đánh thiệt hại nặng cánh quân phía Nam, uy hiếp và bao vây cánh quân chủ yếu, đẩy địch từ thế chủ động ban đầu thành thế bị động, lúng túng, tiến không được, lật cánh, chuyển hướng cũng không thể thực hiện được mục đích hạn chế.

Trong Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào, Bộ tư lệnh chiến dịch đã dự đoán khá chính xác cả 4 tình huống cơ bản và xu thế phát triển của nó, nên đã chủ động sử dụng lực lượng tại chỗ, lực lượng cơ động, từng bước tạo thế chiến dịch có lợi, đưa địch vào mưu kế, thế trận đã chuẩn bị sẵn của ta; vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật và thủ đoạn tác chiến, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngự ngoan cường, vững chắc với tích cực chủ động tiến công, thực hành đánh những trận then chốt tiêu diệt lớn quân địch, buộc địch phải dừng lại phòng ngự trong thế bị cô lập, tinh thần hoang mang, phải bỏ lại toàn bộ xe pháo, vũ khí nặng luồn rừng rút chạy.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai, chiến dịch phản công là chiến dịch có chủ định, được tiến hành kế tiếp sau chiến dịch phòng ngự, có quan hệ chặt chẽ với tác chiến phòng thủ, phòng ngự trước đó. Ta có điều kiện chuẩn bị trước quyết tâm và phương án tác chiến, chuẩn bị một phần về lực lượng và thế trận từ trong thời bình; đó cũng chính là những yếu tố cơ bản để ta giành và giữ quyền chủ động chiến dịch. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo những giá trị lịch sử của nghệ thuật chiến dịch trong Chiến dịch phản công Đường 9- Nam Lào vào điều kiện tác chiến mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết.

Đại tá Hoàng Văn Quý

qdnd.vn

Nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh

Tháng Tư 28, 2011 Bình luận đã bị tắt

Các nhà nghiên cứu nghệ thuật quân sự Việt Nam đã phân tích, khái quát tư tưởng nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh, coi đó là đường lối quân sự cơ bản của cách mạng Việt Nam – một trong những nhân tố quyết định dẫn đến thắnglợi giải phóng hoàn toàn đất nước ta.

Sau khi Bác Hồ qua đời, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Mỹ, ông Gớt Hôn đánh giá về Bác: “Người là một lãnh tụ chính trị nhưng Người cũng là một lãnh tụ xuất sắc về quân sự”. Không ngẫu nhiên ông đánh giá cao Bác Hồ như vậy, bởi chắc ông đã đọc kỹ tiểu sử và nghiên cứu những bài viết về quân sự của Bác. Nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh là sự kế thừa tinh hoa nghệ thuật quân sự thế giới. Hồi ở Pháp Người đọc nhiều sách quân sự của cách mạng tư sản Pháp, của công xã Pa-ri và quân đội Pháp hiện thời. Thời gian ở Liên Xô Người đã nghiên cứu nghệ thuật quân sự Xô viết. Đặc biệt Người nghiên cứu rất kỹ binh pháp cổ Trung Quốc để có “Những hiểu biết cơ bản về quân sự”, ”Phép dùng binh của Tôn Tử”(1943)… Nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh là sự tiếp nối truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam với những nguyên lý cơ bản: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo (Nguyễn Trãi), Vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước chung sức, là khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc (Trần Quốc Tuấn), là lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, là “ngụ binh ư nông”…

1. Chúng ta muốn hoà bình…
Nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh là trọng hoà bình, là không muốn chiến tranh. Khi cả nước chuẩn bị phải bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ tuyên bố với thế giới rằng: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh… Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách… Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi…”(1). Rõ ràng để trở thành nhà quân sự kiệt xuất là ngoài ý muốn của Người, không hề muốn chiến tranh, nhưng cần thiết thì Người cùng cả dân tộc buộc phải tiến hành chiến tranh để giành độc lập, tự do, để cho xứ sở này luôn tràn ngập ánh trăng hoà bình như trong những áng thơ của Người vậy. Cây muốn lặng gió chẳng muốn đừng, dã tâm của kẻ thù là muốn đưa dân ta trở về kiếp nô lệ, cả nước ta phải cầm súng, Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:
“Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Tư tưởng hoà bình yêu tự do của Người là sự kế thừa, tiếp nối tinh thần trọng hoà hiếu của cha ông, cách sống thương người như thể thương thân của dân tộc: “Theo tinh thần bốn bể đều là anh em, tôi yêu mến thanh niên Pháp cũng như yêu mến thanh niên Việt Nam. Đối với tôi, sinh mệnh của một người Pháp hay sinh mệnh của một người Việt đều đáng quý như nhau… Trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”.(2)

2. Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Nghệ thuật chiến tranh trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Bác Hồ giải thích: “Toàn dân kháng chiến nghĩa là toàn cả dân, ai cũng đánh giặc. Bất kỳ đàn ông đàn bà, người già con trẻ, ai cũng tham gia kháng chiến”(3). Đường lối kháng chiến này lại được thể hiện cụ thể mà sinh động trong một bài thơ của Người: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sỹ! Tiến lên đồng bào/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công (Chúc năm mới – 1947). Có nhà phê bình đã chia thơ Hồ Chí Minh ra thành hai loại, thơ tuyên truyền cổ động và thơ nghệ thuật. Chúng tôi lại cho rằng thơ Hồ Chí Minh chỉ có một loại thơ nghệ thuật, dĩ nhiên cần phải hiểu nghệ thuật ở nghĩa rộng rãi hơn, nghệ thuật cả ở những vấn đề ngoài văn bản chứ không chỉ tồn tại trong hình thức văn bản. Những tác phẩm như Chúc năm mới trên thì vừa là tuyên truyền vừa là nghệ thuật, nghệ thuật đưa chính trị vào nghệ thuật, nghệ thuật mượn nghệ thuật để tuyên truyền…

Cách đánh du kích là hệ quả tất yếu của đường lối chiến tranh nhân dân được Bác Hồ đặc biệt chú ý. Người viết tác phẩm Đánh du kích như đánh cờ nêu những cách đánh giặc cụ thể của một cụ nông dân đã già yếu: Một ông già, một sợi dây/ Làm cho điêu đứng một bầy địch nhân; của một cụ bà cao tuổi: Tuổi già gan lại càng già/ Làm cho địch biết tay bà mưu cao; của một em bé: Tuổi nhỏ mà gan thì to/ Đem hai thứ trứng bán cho quân thù… Đây chính là sự cụ thể hoá của nghệ thuật chiến tranh nhân dân: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc… Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

3. Kiên quyết không ngừng thế tiến công
Hạt nhân của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là tư tưởng chiến lược tiến công. Đây chính là vấn đề quyết định sự thắng lợi của bất kỳ công việc gì chứ không chỉ là việc đánh giặc, bởi chỉ nhờ có tiến công mới có thể tạo ra được thế chủ động, mà trong đánh giặc thì việc này là tối cần thiết, như Bác Hồ nói: “Giữ quyền chủ động chính là giữ thế công, giữ thế công mới đánh được giặc”(4). Bài thơ Học đánh cờ được các nhà nghệ thuật quân sự nước ta coi là sự thể hiện của đường lối chiến lược quân sự Việt Nam ngắn gọn nhất, sinh động nhất. Bài thơ có 3 khổ, 12 câu, 108 chữ thì hai chữ tấn công được nhấn mạnh tới ba lần: Tấn công thoái thủ ưng thần tốc (Tấn công thoái thủ nhanh như chớp), Kiên quyết thì thì yếu tấn công (Kiên quyết không ngừng thế tấn công), Công thủ vận trù vô lậu toán (Tấn công phòng thủ không sơ hở). Chỉ có trên cơ sở tấn công mới tạo ra được thời cơ. Cấu trúc của khổ thơ sau là một kết cấu nhân quả:
Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ
Kiên quyết không ngừng thế tấn công
Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công
Nhờ có tầm nhìn rộng, suy nghĩ kỹ càng kết hợp với thế công (thì) dù có “lạc nước” nhưng vẫn có thể “gặp thời một tốt cũng thành công”.

4. Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu…
Hồ Chí Minh rất chăm lo xây dựng lực lượng quân đội theo nguyên tắc tập trung: “Về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng”(5). Quân đội ấy phải hết sức coi trọng chính trị: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”(6). Học tập chính trị để có quyết tâm, để rèn luyện ý chí đánh giặc. Ở bất cứ thời nào, bất cứ nơi đâu, nếu có chiến tranh thì yếu tố con người vẫn là yếu tố quyết định sự thành bại. Bác Hồ đã khẳng định điều đó bằng nhiều hình thức khác nhau, những câu nói khác nhau, ví như một mệnh đề nổi tiếng: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công thì vấn đề đoàn kết chính là con người. Hay ở một bài thơ khác, bài Thơ chúc mừng năm mới -1956 có hai câu cuối:

Quyết chí bền gan phấn đấu
Hoà bình thống nhất thành công

Thì chỉ nhờ có giáo dục chính trị mới có thể quyết chí bền gan được. Cái gốc của giáo dục là tình thương. Bác Hồ rất thương chiến sỹ mà bài thơ Tư chiến sĩ chỉ là một biểu hiện: Canh thâm lộ cấp như thu vũ/ Thần tảo sương nùng tự hải vân/ Khoái tống hàn sam cấp chiến sỹ/ Dương quang hoà noãn báo tân xuân (Đêm khuya, móc rơi dồn dập như mưa thu/ Sáng sớm, sương dày như mưa mặt biển/ Mau gửi áo rét cho chiến sỹ/ Ánh nắng ấm áp đã báo trước tin xuân mới sắp về). Đúng là một tình thương cha con. Điều này được tiếp nối từ lịch sử: Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào (Bình Ngô đại cáo)… Nhân đây xin nói tới đạo làm tướng theo quan niệm của Bác thì cái gốc vẫn là tình thương yêu và sự gương mẫu: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên… Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”(7). Có thế thì mới tạo ra được Hùng sư bách vạn tất thính lệnh (Trăm vạn hùng binh đều nghe lệnh).

Xin khép lại bài viết bằng lời dạy của Bác với quân đội ta: “Phải nhớ rằng nhân dân là chủ. Dân như nước, mình như cá, lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”; “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Đấy là nghệ thuật quân sự cốt lõi nhất, cơ bản nhất đã góp phần quyết định tạo nên sức mạnh vô địch của quân đội ta, quân đội của nhân dân: “Trung với Đảng. Hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”

Nguyễn Xuân Nguyên

——-

(1) Hồ Chí Minh toàn tập – tập 4 – Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tr 473
(2) Hồ Chí Minh toàn tập – tập 4 – Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tr 457
(3) Hồ Chí Minh toàn tập – tập 4 – Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tr 485
(4) Hồ Chí Minh toàn tập – tập 3 – Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tr 473
(5) Hồ Chí Minh toàn tập – tập 3 – Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tr 507
(6) Hồ Chí Minh toàn tập – tập 6 – Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tr 318
(7) Hồ Chí Minh toàn tập – tập 6 – Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tr 207

Văn nghê Quân đội

quocphonganninh.edu.vn

Trận Buôn Ma Thuột – đỉnh cao của nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch

Tháng Tư 14, 2011 Bình luận đã bị tắt

Trận Buôn Ma Thuột – trận then chốt quyết định giành thắng lợi đã để lại nhiều bài học điển hình về nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch. Nó cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong điều kiện hiện nay.

Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975; trong đó, trận Buôn Ma Thuột là trận đánh mở đầu, trận then chốt quyết định, có tầm quan trọng đặc biệt, trực tiếp là với chiến dịch Tây Nguyên và ở góc độ nào đó, còn có ý nghĩa chiến lược đối với cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975.

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quân sự đối với cả miền Nam. Nếu đánh và chiếm được Tây Nguyên sẽ chia cắt hoàn toàn hệ thống phòng ngự chiến lược của địch, buộc chúng lâm vào thế lúng túng, bị động đối phó; còn về phía ta có điều kiện phát triển lực lượng, tiếp tục triển khai hướng tiến công xuống các tỉnh ven biển, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, góp phần thúc đẩy cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 giành thắng lợi trong thời gian ngắn.

Chiến dịch Tây Nguyên, vì thế, có ý nghĩa hết sức quan trọng, là sự lựa chọn rất đúng đắn, chính xác của ta. Theo đó, việc ta chọn Buôn Ma Thuột để đánh trận mở đầu, trận then chốt quyết định cũng vậy. Bởi vì, đánh chiếm được Buôn Ma Thuột sẽ tạo ra đột biến về chiến dịch, và chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi sẽ dẫn đến đột biến về chiến lược, tạo nên bước ngoặt quyết định, phá vỡ thế phòng ngự chiến lược của địch. Cho nên, mục tiêu kế hoạch của chiến dịch Tây Nguyên là phải thực hiện bằng được quyết tâm đó, để tạo khí thế, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho quân và dân không chỉ ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên mà còn trên khắp chiến trường miền Nam. Qua đó, giáng những đòn chí mạng tiếp theo bằng những chiến dịch tiến công đánh bại ý chí chiến đấu của nguỵ quyền Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc Tổng tiến công chiến lược bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi của trận then chốt quyết định – Buôn Ma Thuột đã thể hiện sự sắc sảo của nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch, nhất là trong tổ chức, chỉ huy và điều hành chiến dịch của Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên nói chung và trận Buôn Ma Thuột nói riêng; trong đó, trước hết là nghệ thuật sử dụng không gian và thời gian mở chiến dịch. Việc chọn Buôn Ma Thuột là trận đánh mở đầu, then chốt quyết định là vấn đề hết sức quan trọng đối với chiến dịch. Vì, Buôn Ma Thuột có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên; diện tích rộng, bình độ thấp so với xung quanh, lại tương đối bằng phẳng, rải rác có một số điểm cao độc lập cách thị xã 2-15 km. Như vậy, đối với ta, sẽ thuận lợi cho quá trình cơ động, triển khai và che dấu lực lượng; còn với địch, khi bị tiến công sẽ khó giữ và khó cơ động ứng cứu, chi viện cho nhau. Đặc biệt, các mục tiêu của địch ở trong và xung quanh thị xã hầu hết là lộ thiên, dễ bị ta phát hiện và tiêu diệt. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Chúng ta đã lợi dụng những yếu tố thuận lợi của địa hình để khai thác, khắc phục mặt yếu và phát huy mặt mạnh của ta; đồng thời, triệt để khoét sâu những điểm yếu và hạn chế những mặt mạnh của địch. Về mặt thời gian, thời điểm nổ súng tiến công của trận đánh Buôn Ma Thuột được Bộ Tư lệnh chiến dịch tính toán kỹ (2 giờ sáng ngày 10 tháng 3 ta mở màn chiến dịch và kết thúc vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 11 tháng 3); đó là thời điểm thuận lợi nhất để tổ chức tiến công. Trong thời điểm này, mọi hoạt động của địch đều lỏng lẻo và mất cảnh giác, ta cơ động triển khai, bố trí đội hình tiến công bảo đảm giữ được bí mật; khi triển khai xong lực lượng tiến công thì gần sáng, sương mù tan, tạo thuận lợi cho ta phát hiện dễ dàng các mục tiêu lộ thiên của địch để thực hành tiến công tiêu diệt. Ngoài ra, còn có một yếu tố quyết định đến thời gian kết thúc trận đánh, đó là yếu tố về thời tiết. Đây là mùa khô, chưa có mưa, sông suối cạn, rất thuận tiện cho các phương tiện xe cơ giới phát huy được tính năng kĩ thuật, chiến thuật.

Một yếu tố hết sức quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi của trận then chốt quyết định, đó là: nghệ thuật xác định hướng, chọn mục tiêu tiến công. Để chọn hướng tiến công, trước hết, phải phân tích khách quan, toàn diện và cụ thể tình hình địch, ta và điều kiện địa hình, thời tiết… Về mặt nguyên tắc, chọn hướng tiến công thường phải chọn vào chỗ hiểm, yếu của địch; đó là nơi địch bố trí lực lượng, phương tiện phòng ngự mỏng, yếu, sơ hở; đồng thời, lại phù hợp với cách đánh, sở trường của ta. Trong chiến dịch Tây Nguyên, ta chọn hướng Nam Tây Nguyên làm hướng chủ yếu, bởi ở nơi đây lực lượng của địch tương đối yếu. Đánh chiếm Buôn Ma Thuột, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã chọn 3 hướng tiến công: Bắc, Nam và Tây; trong đó, hướng Tây là hướng thọc sâu và chọn Sở chỉ huy sư đoàn 23 nguỵ là mục tiêu đột phá chủ yếu. Việc chọn hướng, mục tiêu tiến công đã thể hiện sự sắc sảo, sáng tạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên. Bởi vì, Sở chỉ huy Sư đoàn 23 nguỵ là trung tâm chỉ huy, có vị trí quan trọng nhất của địch ở Buôn Ma Thuột; đồng thời, còn là chỗ dựa vững chắc của địch ở khu vực này và Tây Nguyên. Như vậy, chọn Sở chỉ huy sư đoàn 23 nguỵ làm mục tiêu tiến công chủ yếu là ta đã điểm trúng huyệt, đánh vào nơi rất hiểm, nhưng tương đối yếu của địch. Đây là một nguyên tắc trong tác chiến chiến dịch: “bỏ chỗ vững, đánh chỗ núng, tránh chỗ thực, đánh chỗ hư”. Khi Sở chỉ huy sư đoàn 23 nguỵ bị tiến công, có nguy cơ bị tiêu diệt thì địch nhất thiết phải tăng viện, ứng cứu; đó là thời cơ mới để ta tiếp tục bố trí thế trận đón đánh lực lượng địch đến cứu viện ở phía Đông Buôn Ma Thuột. Diễn biến của trận đánh đúng với dự kiến của ta. Buôn Ma Thuột nhanh chóng bị thất thủ đã gây chấn động lớn đến toàn chiến trường Tây Nguyên và lan sang các chiến trường khác; đồng thời, tạo nên những đột biến dây chuyền lớn hơn tiếp theo, khiến chúng không thể chống đỡ nổi, đi đến sụp đổ hoàn toàn.

Đánh chắc thắng trận đầu là một trong những truyền thống quý báu của quân đội ta. Điều đó càng được khẳng định khi nghệ thuật sử dụng lực lượng, bố trí đội hình tiến công đã đạt đến trình độ cao, là yếu tố quyết định thúc đẩy trận đánh Buôn Ma Thuột giành thắng lợi nhanh chóng. Quy luật của chiến tranh là mạnh được, yếu thua. Xét về tương quan lực lượng và vũ khí trang bị ban đầu ở chiến trường Tây Nguyên nói chung, trực tiếp trong trận Buôn Ma Thuột nói riêng, ta không chiếm ưu thế lớn hơn địch; nhưng ta có những ưu thế khác để tạo thành sức mạnh tổng hợp, mà địch không thể có được; đó là, tinh thần chiến đấu của toàn quân, toàn dân, đặc biệt là về nghệ thuật quân sự… Do nắm chắc quy luật chiến tranh và tư tưởng chỉ đạo đánh chắc thắng trận đầu cùng với sự chỉ đạo tài tình của Bộ Tư lệnh chiến dịch, chúng ta đã làm chuyển biến so sánh lực lượng có lợi cho ta, bất lợi cho địch ở vào thời điểm quyết định. Đây là nét độc đáo của nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch. Trong trận then chốt quyết định này, ta sử dụng lực lượng hơn 2 sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng để tiêu diệt lực lượng tương đương 1 trung đoàn tăng cường của địch. Trong khi đó, chúng ta còn phát huy cao độ chiến tranh nhân dân để tạo nên sức mạnh áp đảo đối với địch. Trong trận đánh Buôn Ma Thuột, ta đã tổ chức và bố trí lực lượng một cách khoa học, hợp lí; thành phần gồm: lực lượng tập trung và lực lượng phân tán; lực lượng tiến công và lực lượng nổi dậy; bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch ở đây là sự bố trí đội hình tiến công trên 3 hướng, tạo thành 5 mũi tiến công sắc, nhọn: hướng Bắc 2 mũi, hướng Nam 2 mũi; riêng hướng Tây tổ chức 1 mũi (đây là mũi thọc sâu, đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu là Sở chỉ huy tiền phương – Sư đoàn 23 nguỵ). Trong 5 mũi tiến công thì 4 mũi có xe tăng phối hợp với bộ binh trong đội hình chiến đấu. Với sự sáng suốt của Bộ Tư lệnh chiến dịch trong việc xác định không gian, thời gian mở chiến dịch cộng với nghệ thuật chọn hướng, mục tiêu tiến công và nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng và bố trí đội hình tiến công, ta đã đánh trận mở đầu giành thắng lợi trong thời gian ngắn, tạo ra những thuận lợi mới cho các trận truy kích và tổ chức đánh các trận kế tiếp thắng lợi.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) chắc chắn sẽ có những phát triển mới do có sự phát triển mạnh mẽ về vũ khí, trang bị và trình độ tác chiến của cả ta và đối tượng tác chiến. Thế nhưng, nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung và của trận Buôn Ma Thuột nói riêng vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, một khi địch liều lĩnh gây chiến tranh xâm lược đối với đất nước ta.

Thượng tá, ThS. ĐỖ HẢI ÂU

Nghệ thuật phối hợp tác chiến giữa binh đoàn chủ lực với bộ đội địa phương trong Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào

Tháng Tư 12, 2011 Bình luận đã bị tắt

Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (từ ngày 30-1 đến 23-3-1971) là chiến dịch phản công (CDPC) có ý nghĩa chiến lược. Chiến dịch thắng lợi để lại nhiều bài học quý báu; trong đó, bài học về sự phối hợp tác chiến giữa binh đoàn chủ lực (BĐCL) với bộ đội địa phương (BĐĐP) là nổi bật nhất, thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế hoạch tác chiến chuẩn bị cho chiến dịch đường 9 - Nam Lào (1971) (Ảnh tư liệu)

Trước những thắng lợi giòn giã, to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đầu năm 1971, Mỹ – nguỵ đã nỗ lực tổ chức một lực lượng lớn, bao gồm: các lực lượng dự bị chiến lược, lực lượng cơ động của Quân khu 1, tiếp vận trung ương của quân nguỵ với sự hỗ trợ lớn của bộ binh, thiết giáp, không quân Mỹ, mở “Cuộc hành quân Lam Sơn 719”, nhằm chặn đứng tuyến vận tải chiến lược của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Về phía ta, tổ chức lực lượng tại chỗ bao gồm Mặt trận Đường số 9 (B5), Trị Thiên (B4); lực lượng của Đoàn 559 và một số tiểu đoàn đặc công của Bộ; lực lượng cơ động là Binh đoàn 70 – một binh đoàn chiến dịch cấp quân đoàn đầu tiên lớn nhất của quân đội ta, gồm 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324, 2) và một số tiểu đoàn, trung đoàn xe tăng – thiết giáp, pháo binh, phòng không, công binh. Đây là bước phát triển mới về tổ chức lực lượng của bộ đội chủ lực ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến dịch diễn ra ở vùng rừng núi biên giới Việt – Lào, thưa dân, lực lượng vũ trang địa phương nhỏ yếu, nơi nhạy cảm về chính trị, gần hậu phương của cả ta và địch. Với sự chủ động, nhạy bén của Bộ Tổng tư lệnh và Bộ tư lệnh chiến trường Nam Bộ (B2), ta đã tổ chức, sử dụng lực lượng Chiến dịch đúng đắn, nổi bật là sự phối hợp tác chiến chặt chẽ, hiệu quả giữa BĐĐP và BĐCL trong quá trình thực hành Chiến dịch. Nhờ đó, Chiến dịch đã giành thắng lợi, hoàn thành mục tiêu đề ra: làm thất bại cuộc tiến công quy mô lớn của địch, phát triển mạnh mẽ thế chiến lược tiến công không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà cả cách mạng ba nước Đông Dương.

Góp phần vào thắng lợi đó, trước hết, là việc xác định, đánh giá đúng vị trí vai trò, tác dụng, phát huy được sở trường, thế mạnh của mỗi lực lượng và mối quan hệ của chúng trong tổ chức, thực hành đánh bại quân địch tiến công; trong đó, BĐĐP giữ vị trí rất quan trọng trong việc tạo thế ta, phá thế địch, còn BĐCL đóng vai trò quyết định tiêu diệt lớn quân địch. Đây vừa là đặc điểm vừa là kết quả của việc quán triệt sâu sắc tư tưởng tích cực tiến công của ta, vừa để lập thế, tạo thời, thực hiện cách đánh của CDPC. Nhờ có lực lượng BĐĐP tổ chức các hoạt động tác chiến ngăn chặn kịp thời các mũi tiến công, đánh địch rộng khắp trên toàn địa bàn chiến dịch, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó, cả phía trước, phía sau, bên sườn; cùng với đó, nghi binh, lừa địch vào những khu vực ta lựa chọn và chuẩn bị sẵn, tạo điều kiện cho BĐCL thực hiện đánh những trận then chốt (trận then chốt thứ nhất từ ngày 20 đến ngày 25-2, trận then chốt thứ 2 từ ngày 26-2 đến ngày 3-3) tiêu diệt, bẻ gãy từng mũi, từng cánh; nhất là trận then chốt quyết định (từ ngày 12 đến ngày 23-3) tiêu diệt tập đoàn chiến dịch chủ yếu của địch co cụm ở Bản Đông. Kết quả của Chiến dịch: ta đã tiêu diệt1, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công của chúng, giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược.

Trong CDPC Đường 9 – Nam Lào, ở khu vực diễn ra trận đánh then chốt quyết định (Bản Đông), lực lượng BĐĐP của Đoàn 559 đảm nhiệm chiến đấu tại chỗ đã đạt hiệu suất rất cao, nhất là đơn vị phòng không 12,7 ly được bố trí dày đánh không quân địch từ nhiều hướng, đã bắn rơi 250 chiếc máy bay lên thẳng (chiếm 50% số máy bay lên thẳng bị bắn rơi trong Chiến dịch), một phương tiện cơ động chủ yếu của địch trong cuộc hành quân. Còn ở khu vực phía Đông, lực lượng của B5 cũng liên tục tổ chức đánh địch, phục kích giao thông (đường bộ, đường sông), tập kích vào căn cứ hậu cần, sở chỉ huy, gây cho địch nhiều tổn thất về sinh lực và phương tiện, buộc chúng phải phân tán, tăng thêm lực lượng để giữ phía sau. Ở phía Tây, lực lượng ta và bạn Lào đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn thuộc GM-30, GM-33, buộc chúng phải rút chạy về Xa-ra-van và Đồng Hến… Nhờ đó, Binh đoàn 70, lực lượng nòng cốt của Chiến dịch đang bố trí ở nam Quân khu 4 để sẵn sàng đánh địch theo các phương án dự kiến, nhưng khi được lệnh cơ động vào khu vực địa bàn Chiến dịch (cũng là lúc địch đã vượt qua biên giới – Lao Bảo và chiếm các điểm cao) đã tổ chức hành quân kịp thời triển khai đội hình đánh nhiều trận ác liệt với lữ dù 3, liên đoàn 1 biệt động và tập kích quân địch khi chúng vừa đổ quân chiếm các điểm cao… Điều đó càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của BĐĐP trong việc tạo thế và lực cho chiến dịch. Vì vậy, cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định: trong CDPC vấn đề tổ chức, sử dụng và phối hợp chặt chẽ giữa BĐCL với BĐĐP là một sự cần thiết, có tính tất yếu; hai lực lượng này luôn có mối quan hệ tác động qua lại, dựa vào nhau, hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhau để phát huy sức mạnh và khả năng tác chiến của mỗi bên, nhằm hoàn thành mục đích, nhiệm vụ của chiến dịch. Trong sự phối hợp đó, phải lấy lực lượng của BĐCL làm nòng cốt, đồng thời phát huy cao độ sức mạnh của BĐĐP.

Hai là, sự phối hợp tác chiến chặt chẽ phong phú, toàn diện không chỉ ở cấp độ chiến thuật, chiến dịch, mà có ý nghĩa chiến lược. Đó chính là sự kết hợp hai phương thức tiến hành chiến tranh của chiến tranh nhân dân trong phạm vi Chiến dịch, mà ở đây là CDPC. Chiến dịch đã giải quyết đúng đắn một loạt các mối quan hệ giữa đánh rộng khắp và đánh tập trung, đánh nhỏ, đánh vừa với đánh lớn, tiêu hao và tiêu diệt quân địch; kết hợp tốt các hình thức, biện pháp tác chiến chiến dịch với các hình thức chiến thuật; lấy tiến công, phản công là chủ yếu kết hợp với phòng ngự chiến thuật, chốt chặn, bao vây đột phá tiêu diệt địch với bảo vệ mục tiêu trọng yếu; tận dụng, khai thác và kết hợp hệ thống hậu cần – kỹ thuật, mạng đường giao thông, thông tin liên lạc tại chỗ có sẵn với chuẩn bị tích cực, trực tiếp của chiến dịch; phát huy thế mạnh và sở trường, khắc phục khó khăn của ta với hạn chế cái mạnh, khoét sâu điểm yếu, mâu thuẫn và khó khăn, sai lầm của địch… Đây là những vấn đề then chốt của nghệ thuật chiến dịch đã được vận dụng để giành thắng lợi trong Chiến dịch này.

Nhờ sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ có hiệu quả giữa BĐCL và BĐĐP trong suốt quá trình CDPC, nên Chiến dịch cũng đã giải quyết được các điều kiện và yêu cầu của cấp chiến lược đặt ra cho Chiến dịch, đó là: phải giành quyền chủ động, sớm phá vỡ ý định tiến công của địch, buộc chúng phải hành động theo cách đánh của ta. Ý định chiến dịch xác định ban đầu là không quyết chiến với địch từ Lao Bảo về phía Đông, mà tập trung lực lượng tiến hành những trận tiêu diệt lớn các cụm quân chủ yếu của địch trong khu vực từ biên giới ở Lao Bảo đến Bản Đông, chặn đứng chúng ở lòng chảo Bản Đông và kiên quyết không cho chúng vào Sê Pôn để bảo đảm tuyến vận chuyển chiến lược của ta không bị gián đoạn. Thực tế Chiến dịch đã diễn ra đúng như vậy. Còn phía địch, trong kế hoạch hành quân, phương án hành động của chúng là sử dụng sức mạnh tổng lực của bộ binh, xe tăng, máy bay… thực hành đánh nhanh, giải quyết nhanh, đánh áp đảo và đè bẹp BĐĐP của ta, đánh chiếm xong mục tiêu chiến dịch trước khi BĐCL ta đến khu giao chiến (địch dự kiến sau 15 ngày tiến công của chúng thì BĐCL ta mới đến được Đường số 9). Thế nhưng, thực tế đã không diễn ra theo dự tính của chúng, do lực lượng BĐĐP của ta chặn đánh địch rất mạnh và có hiệu quả, đã tạo điều kiện thuận lợi cho BĐCL tổ chức hành quân, triển khai tiến công địch kịp thời, làm cho địch hoàn toàn bị động lúng túng đối phó.

Ba là, sự phối hợp tác chiến chặt chẽ đã gây cho địch những lúng túng, bất ngờ không những về không gian, thời gian, mà đội hình, thế trận và tổ chức hiệp đồng của chúng cũng bị phá vỡ. Địch bị chia cắt không những phía trước với phía sau, giữa các hướng, các mũi, giữa bộ binh với xe tăng, lực lượng tiến công đường bộ với lực lượng đổ bộ đường không, giữa quân ngụy Sài Gòn với quân ngụy Lào ở phía Tây với quân Mỹ ở phía Đông; không những vậy mà ta còn chặn đứng mọi khả năng chi viện, tiếp tế hậu cần, kỹ thuật và lực lượng kể cả bằng đường không – một trong những thế mạnh của chúng, cô lập từng bộ phận ở các khu vực khác nhau… Ta đã làm cho kế hoạch tác chiến của chúng bị đảo lộn, buộc phải đưa thê đội 2 vào chiến đấu sớm và chuyển hướng tiến công về phía Nam để mở đường lên Sê Pôn, nhưng chúng vẫn không thực hiện được một mục tiêu nào kể cả trong kế hoạch cũng như phương án bổ sung của cuộc hành quân.

Chính sự phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa BĐCL với BĐĐP theo một ý định và kế hoạch chiến dịch thống nhất từ cấp chiến dịch đến cấp chiến thuật, nên các lực lượng của ta trong CDPC Đường 9 – Nam Lào càng đánh càng mạnh, giành quyền chủ động nhanh, lần lượt bẻ gãy cánh Bắc, đánh thiệt hại cánh Nam, tiêu diệt quân địch trên hướng chủ yếu, kết thúc Chiến dịch thắng lợi. Ngược lại, địch đã vấp phải sự đánh trả quyết liệt của ta ngay từ khi bắt đầu cuộc hành quân, vì thế mà lúng túng, mất dần quyền chủ động, rơi vào thế bị động chống đỡ, suy yếu và thất bại thảm hại.

Ngày nay, nếu chiến tranh xâm lược xảy ra đối với nước ta, địch sẽ mở các chiến dịch tiến công quy mô lớn, phạm vi rộng, thực hiện đánh ác liệt trong thời gian ngắn nhằm đạt được mục đích chính trị của cuộc chiến tranh. Do vậy, ngay trong thời bình, chúng ta phải tập trung đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trên từng địa bàn, từng hướng chiến lược; đồng thời, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân phát triển, để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của các lực lượng, lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt đánh bại chiến dịch tiến công của chúng. Vì thế, cần tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, có cơ cấu cân đối, hợp lý; trong đó, tập trung xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phát triển nền khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự hiện đại của chiến tranh nhân dân Việt Nam lên tầm cao mới. Cùng với đó, coi trọng tổ chức diễn tập các cấp, nhất là trên các địa bàn chiến lược, khu vực phòng thủ, nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng vũ trang địa phương với các đơn vị bộ đội chủ lực của các quân khu, Bộ trong các loại hình chiến dịch, trong đó có CDPC.

Bài học về sự phối hợp tác chiến giữa BĐCL với BĐĐP trong CDPC Đường 9 – Nam Lào vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, PGS, TS. DƯƠNG ĐÌNH QUẢNG
Học viện Quốc phòng

__________

1- Quân địch: chết và bị thương 20.850, bị bắt 1.142; bị diệt: 3 lữ đoàn, 5 tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, bị bắn rơi 556 máy bay, bị phá huỷ 43 tàu xuồng, xà lan, 1.138 xe cơ giới, 112 khẩu pháo, cối, 25 kho.

– Quân ta thu: 2 máy bay lên thẳng, 24 xe các loại, 57 khẩu pháo, 24 cối, 7 khẩu DKZ…

Bỏ nhỏ diệt lớn

Tháng Tư 11, 2011 Bình luận đã bị tắt

QĐND – “Bỏ nhỏ diệt lớn” là phương châm đánh địch táo bạo của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 33 trong trận chiến đấu phục kích Bến Củi, tiêu diệt một tiểu đoàn bộ binh cơ giới Mỹ, ngày 19-8-1968. Trong trận đánh này, Trung đoàn 33 có nhiệm vụ phục kích địch trên đường 239, đoạn từ phía đông làng 3, Bến Củi đến suối Ông Hùng dài khoảng 3,5km.

Thực hiện nhiệm vụ, đúng 20 giờ ngày 17-8-1968, các đơn vị của Trung đoàn 33 đã vào triển khai xây dựng công sự trận địa, làm công sự ngụy trang, cảnh giới. Cán bộ đại đội, trung đội tiếp tục nghiên cứu tình hình, mỗi đại đội cử 2 tổ B40 sẵn sàng đánh địch ngay trong đêm sát đường 239.

Ngày 18-8, từ 7 giờ đến 10 giờ, địch tổ chức một đoàn xe 29 chiếc từ Dầu Tiếng lên làng 3, Bến Củi về trảng Ông Pho đánh vào Đại đội súng máy cao xạ và Đại đội 3, Tiểu đoàn 7. Hai đại đội đã tổ chức đánh trả và tiêu diệt 6 xe. Sáng 19-8, địch có 3 đoàn xe cơ động từ hướng Dầu Tiếng lên. Lúc 7 giờ 30 phút, đoàn đầu tiên có 8 xe dừng lại chốt giữ ở làng 2, làng 3, Bến Củi và phía đông suối Ông Hùng. 8 giờ 25 phút, có 5 chiếc cơ động lên hướng Cầu Khởi. 8 giờ 50 phút, đoàn xe 46 chiếc từ Dầu Tiếng lên, tổ chức một số xe chốt giữ, lùng sục một số vị trí xung quanh, những xe còn lại tỏa đi các hướng.

Chỉ huy trung đoàn nhận định: Địch không phải đi tiếp viện mà đang đi càn để giải tỏa đường 239, Bến Củi, mở đường từ Dầu Tiếng lên Tây Ninh. Ban ngày địch đi càn, chiều và đêm có thể quay về Dầu Tiếng hoặc tiến thẳng về Cầu Khởi – nơi đang bị ta uy hiếp. Như vậy, khi đó địch sẽ mệt mỏi sau một ngày đi càn, lực lượng địch chốt ở các vị trí hai bên đường không phát hiện lực lượng của ta, chưa bị ta đánh nên sẽ chủ quan, không cảnh giác. Quyết tâm của trung đoàn là điều chỉnh đội hình chiến đấu, bằng mọi cách tiêu diệt đoàn xe của địch. Căn cứ vào địa hình, phía bắc đường 239 địa hình trống trải có nhiều đường, xe cơ giới của địch cơ động thuận lợi nên Trung đoàn đã sử dụng Tiểu đoàn 7 (thiếu Đại đội 1) làm lực lượng đối diện, nhiều hơn so với các trận phục kích khác để đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ. Đúng như dự kiến, 17 giờ 30 phút ngày 19-8, đoàn xe của địch cơ động về đã lọt vào trận địa phục kích của ta. Trung đoàn lệnh cho các đơn vị nổ súng, các Tiểu đoàn 7, 8, 9 và lực lượng dự bị đã phối hợp chặt chẽ, lần lượt tiêu diệt toàn bộ quân địch trong khu vực đảm nhiệm. Đến 19 giờ 20 phút, trung đoàn đã hoàn toàn làm chủ trận đánh, tổ chức thu dọn chiến trường, sau đó nhanh chóng cơ động rời khỏi khu vực tác chiến.

Nhờ có quyết tâm chiến đấu chính xác, không đánh các đoàn xe nhỏ lẻ của địch cơ động, kịp thời điều chỉnh lực lượng, chủ động đánh địch khi chúng trên đường cơ động lực lượng trở về, Trung đoàn 33 đã tổ chức đánh địch “bỏ nhỏ diệt lớn”, đạt hiệu suất chiến đấu cao, tiêu diệt và phá hủy 57 xe M113 và M41, một tiểu đoàn bộ binh cơ giới Mỹ, một trung đội biệt kích (có 50 tên), thu nhiều vũ khí trang bị các loại.

Vũ Xuân Dân

Nghệ thuật bảo đảm hậu cần trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Tháng Tư 7, 2011 Bình luận đã bị tắt

Lập thế trận kiên trì, chuẩn bị từ trước

Đoàn xe vận tải hùng hậu trên đường Trường Sơn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh tư liệu.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vai trò của công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật rất quan trọng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “… Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh cách mạng ở nước ta, cuộc tổng tiến công chiến lược đặt ra những yêu cầu mới rất to lớn, rất phức tạp và khẩn trương về bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm cơ động lực lượng, binh khí kỹ thuật. Các lực lượng Hậu cần đã ra sức vươn lên khắc phục khó khăn, phát huy sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Thành công của công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là quá trình chuẩn bị chiến trường về hậu cần chu đáo, rất sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.

Khi có đường lối giải phóng miền Nam bằng khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, ở miền Nam lực lượng vũ trang từng bước phát triển ngày càng lớn mạnh, căn cứ địa cách mạng được xây dựng tiến dần thành khu giải phóng, các cơ sở hậu cần được xây dựng, phát triển thành các căn cứ hậu cần trên từng khu vực. Trong điều kiện và hoàn cảnh nước ta phải tiến hành chiến tranh chống kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn ta nhiều lần, để bảo đảm hậu cần cho chiến dịch giành thắng lợi trong điều kiện thời gian chuẩn bị trực tiếp ngắn phải có sự chuẩn bị chiến trường về hậu cần kiên trì, toàn diện từ trước.

Từ năm 1959, tuyến đường giao thông vận tải chiến lược Trường Sơn được xây dựng, đến năm 1968 đã vươn tới chiến trường Nam Bộ. Sau Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, việc chuẩn bị chiến trường và chuẩn bị cho tiến công lớn được đẩy mạnh toàn diện ở hậu cần các cấp; tuyến đường giao thông chiến lược Trường Sơn mở rộng thành hệ thống vận tải cơ giới ở cả phía Tây và phía Đông Trường Sơn, nối liền với các chiến trường miền Nam. Tuyến đường ống xăng dầu dọc theo tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn được xây dựng đã bảo đảm xăng dầu cho các trung đoàn, sư đoàn vận tải ô tô, tăng sức vận tải vật chất, binh khí kỹ thuật và cơ động lực lượng cho các chiến trường. Song cùng với công tác xây dựng đường sá, hậu cần chiến lược đã dồn vật chất, phương tiện kỹ thuật ra phía trước, tổ chức các kho dự trữ chiến lược trên các hướng. Do vậy chỉ hơn hai năm, hậu cần chiến lược đã chuyển tới chiến trường hơn 300.000 tấn vật chất hậu cần-kỹ thuật, vừa bảo đảm cho các lực lượng vũ trang hoạt động tác chiến, vừa dự trữ cho chiến dịch.

Cùng với công tác chuẩn bị của hậu cần chiến lược, trong hai năm 1973-1974, hậu cần Miền cũng ra sức chuẩn bị cho chiến dịch. Các căn cứ hậu cần Miền ngày càng được củng cố, hệ thống đường vận tải cơ giới được mở rộng nối liền các căn cứ hậu cần, tạo thế đứng chân vững chắc trên các hướng, bảo đảm cơ động cao.

Khi có quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh, thời gian chuẩn bị trực tiếp cho chiến dịch chỉ có 22 ngày đêm, khối lượng vật chất mới dự trữ được 40.000 tấn trong 60.000 tấn theo nhu cầu, đạn pháo lớn, phương tiện vận tải còn thiếu rất nhiều. Trước tình hình đó hậu cần chiến dịch đã quyết tâm khắc phục khó khăn bằng một số giải pháp: Dựa vào thế trận hậu cần chiến trường đã được chuẩn bị từ trước, nhanh chóng điều chỉnh lực lượng triển khai tiến lên phía trước hình thành thế trận mới liên hoàn vững chắc bao quanh Sài Gòn phù hợp với quyết tâm chiến dịch, có chiều sâu từ hậu phương chiến trường, chiến dịch tới các hướng tác chiến, tiếp cận các quân đoàn, có lực lượng hậu cần cơ động theo các đơn vị thọc sâu. Toàn bộ lực lượng hậu cần quân đội được huy động khẩn trương, kết hợp với động viên sức mạnh của cả nước, ở hậu phương lớn và trên địa bàn chiến dịch, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân làm công tác hậu cần.

Để bảo đảm cầu đường thông suốt từ hậu phương lớn vào chiến trường, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ đạo Đoàn vận tải quân sự Trường Sơn phải bảo đảm tuyến đường giao thông vận tải ở phía Tây Trường Sơn, đồng thời điều động một số trung đoàn công binh sang tuyến quốc lộ 1 sửa chữa cầu đường bị địch đánh phá trong quá trình tháo chạy. Trên địa bàn tác chiến chiến dịch, mạng đường vận tải chiến dịch được tổ chức thành 6 tuyến vận tải từ hậu phương chiến dịch đến các hướng tác chiến xung quanh Sài Gòn, đồng thời tiếp tục mở thêm một số tuyến vượt qua Đồng Tháp Mười sang phía Tây và Nam Sài Gòn. Lần đầu tiên hậu cần chiến dịch kết hợp sử dụng cả đường bộ, đường thủy và đường không để vận chuyển vật chất và cơ động lực lượng. Phục vụ chiến dịch, ngành hậu cần đã huy động số lượng lớn phương tiện vận tải chiến lược, toàn bộ phương tiện vận tải của các quân đoàn, binh chủng, quân chủng, đồng thời huy động thêm phương tiện của các cơ quan Nhà nước và nhân dân vùng mới giải phóng. Kết quả đã huy động được cho chiến dịch khoảng 7.064 xe ô tô các loại, 656 ghe xuồng, 63.432 dân công để vận chuyển vật chất và cơ động lực lượng. Trong đó riêng giai đoạn chuẩn bị trực tiếp, hậu cần chiến dịch đã sử dụng 1.080 xe ô tô (tương đương khoảng 10 tiểu đoàn) để chuyển gấp 4.313 tấn đạn từ hậu phương và các quân khu mới giải phóng vào phục vụ chiến dịch.

Công tác giao thông vận tải trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã phát huy được những kinh nghiệm từ các chiến dịch trước, đồng thời rất linh hoạt, táo bạo, đã kịp thời giải quyết các khó khăn, tình huống đặt ra. Cơ quan tham mưu hậu cần và vận tải đã luôn nắm vững tình hình, bám sát các tình huống tác chiến, có kế hoạch điều chỉnh lực lượng, phương tiện vận tải kịp thời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cho chiến dịch tác chiến hiệp đồng quân binh chủng với quy mô lớn, tính cơ động cao, tốc độ nhanh, giành thắng lợi hoàn toàn.

36 năm trôi qua, song bài học chuẩn bị chiến trường về hậu cần và chỉ đạo, chỉ huy giao thông vận tải Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu kế thừa, phát triển vào xây dựng tiềm lực, chuẩn bị thế trận hậu cần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đại tá Đỗ Đắc Yên

“Tất cả cho tiền tuyến…”

Tháng Tư 7, 2011 Bình luận đã bị tắt

… Để đẩy mạnh công tác chi viện cho mặt trận, Trung ương Đảng, Chính phủ đề ra khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” và ra chỉ thị động viên toàn dân, toàn Đảng tập trung toàn lực lượng chi viện cho tiền tuyến, nhất định đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Các cấp ủy đảng và ủy ban kháng chiến hành chính các địa phương đều coi việc tổ chức động viên nhân lực, vật lực cho mặt trận Điện Biên Phủ là hai nhiệm vụ hết sức quan trọng phải tập trung mọi khả năng để hoàn thành. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” đã được nhiệt liệt hưởng ứng và sôi nổi thực hiện ở khắp mọi nơi. Nhân dân ở các vùng tự do cũng như trong các vùng tạm bị địch chiếm đều hăng hái tự nguyện đóng góp sức lực, tiền của sẵn sàng hy sinh hết thảy, kịp thời bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến.

Để tăng nhanh khả năng vận chuyển từ hậu phương ra mặt trận, trên tuyến vận tải từ Cao Bằng, Lạng Sơn đi Sơn La, Điện Biên Phủ, ta đã tập trung 16 đại đội xe ô tô với tổng số xe lúc cao nhất là 628 chiếc. Toàn bộ 600 lái xe, 200 thợ sửa chữa được ngành giao thông vận tải cho ra trường trước hạn định và 121 lái xe, thợ sửa chữa đào tạo tại chức, 74 lái xe, thợ sửa chữa vừa tuyển mộ thêm đều được tăng cường cho tuyến vận tải cơ giới hết sức mới mẻ (đối với ta) và quan trọng này. Trên tuyến vận tải dọc theo sông Thao, sông Đà, bên cạnh các đoàn thuyền, mảng vẫn có từ trước, ta đã đưa vào sử dụng 10 ca nô kéo phà và sà lan. Ở phía bắc, ta dùng mìn phá 103 ghềnh thác trên sông Nậm Na để sử dụng bè mảng chở gạo từ Phong Thổ về Lai Châu rồi dùng ngựa thồ, chuyển tiếp gạo từ Lai Châu về Điện Biên Phủ. Trên các tuyến đường bộ từ Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ và các tỉnh tự do khác thuộc Liên khu 3, Việt Bắc lên Sơn La, Điện Biên ta đã huy động tới hàng trăm nghìn dân công và khoảng 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 300 xe ngựa. Riêng đạo quân xe đạp thồ hoạt động trên các tuyến đường này cũng lên tới hàng vạn và được tổ chức thành các đội, trung đội chặt chẽ, có đầy đủ phụ tùng để sửa chữa, thay thế trên dọc đường.

Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chưa bao giờ sức mạnh hậu phương chiến tranh nhân dân lại được phát huy cao độ và sử dụng một cách có hiệu quả như thời kỳ này.

Để bảo đảm cung cấp, tiếp tế cho bộ đội chủ lực, ta mở chiến dịch giải phóng Bắc Tây Nguyên, đồng bào Kinh, đồng bào các dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ đã đóng góp 200.000 dân công (tính ra thành 6 triệu ngày công), 2.000 xe đạp thồ, 1.000 ngựa, hàng chục thớt voi, hàng nghìn thuyền bè, xe bò, xe ngựa và đã vận chuyển ra mặt trận, bảo đảm tiếp tế cho bộ đội hơn 1.000 tấn gạo, 50 tấn muối, hàng nghìn trâu, bò, lợn, hàng chục tấn mắm, muối, đường. Trong chiến dịch Trung-Hạ Lào, nhân dân Liên khu 4 đã đóng góp 54.075 dân công (tính ra thành 1.974.800 ngày công), 2.217 xe đạp thồ, 9 xe ô tô, 1.429 thuyền và đã bảo đảm tiếp tế cho các đơn vị chủ lực sang phối hợp cùng bạn hoạt động ở Trung-Hạ Lào 3.409 tấn gạo, 154 tấn muối, 2.102 con trâu, bò, lợn… Nhưng sự huy động sức người, sức của to lớn nhất, quan trọng nhất của ta trong Đông Xuân này là dành cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo báo cáo của Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương (báo cáo ngày 10-7-1954) trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã đóng góp hơn 260.000 dân công (tính ra thành 13-14 triệu ngày công), 20.991 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ và bán thô sơ khác. Về mặt bảo đảm vật chất, đồng bào đã đóng góp cho chiến dịch (số huy động tại gốc) tổng cộng là 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm đã vận chuyển được ra mặt trận cung cấp cho bộ đội là hơn 20.000 tấn, trong đó 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô. Đặc biệt đồng bào Tây Bắc đã có những cố gắng rất lớn. Mặc dù là một vùng rừng núi mới được giải phóng, đất rộng người thưa, khả năng kinh tế rất hạn hẹp, nhưng trong chiến dịch này đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã dồn hết sức mình tiếp tế cho bộ đội 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700-800 tấn rau xanh và đã đóng góp 31.818 dân công (tính ra thành 1.296.078 ngày công) làm công tác vận chuyển, sửa chữa cầu đường, xây dựng kho lán.

Trong Đông Xuân này Điện Biên Phủ thực sự đã trở thành điểm hội tụ mọi nguồn sức mạnh của hậu phương chiến tranh nhân dân và là nơi biểu hiện tập trung nhất khả năng tiềm tàng của hậu phương ta sau hơn tám năm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa chiến đấu, vừa tích lũy xây dựng thực lực mọi mặt…

Theo Điện Biên Phủ-Mốc vàng thời đại