Trang chủ > Thời tiền sử > Những trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

Những trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

Tháng Tư 2, 2011

Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, quân dân ta đã làm nên nhiều chiến công hiển hách. Mỗi chiến công đã để lại một mốc son chói lọi và làm rạng rỡ nền văn hóa quân sự độc đáo Việt Nam. Xin giới thiệu 5 trận thắng tiêu biểu nhất từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII.

Tranh minh họa trận đánh trên sông Bạch Đằng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba, năm 1288

Khí thiêng sông núi đọng lại ở Bạch Đằng

Cuối năm 938, Ngô Quyền (898-944) đã huy động quân dân đẵn gỗ, đẽo cọc vát nhọn, bịt sắt cắm đầy lòng sông Bạch Đằng ở những chỗ hiểm yếu gần cửa biển tạo thành một trận địa ngầm, hai bên bờ có quân mai phục. Giặc tới, nước triều đang lên ngập hết bãi cọc, Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, dụ quân giặc từ vịnh Hạ Long vào sông Bạch Đằng, rồi vờ thua chạy. Đợi khi nước thủy triều rút xuống, Ngô Quyền hạ lệnh cho toàn quân đánh quật trở lại. Thủy quân giặc hốt hoảng quay đầu chạy. Ra đến gần cửa biển, thuyền địch đâm phải cọc nhọn, bị vỡ và bị đắm rất nhiều. Quân giặc phần bị giết, phần chết đuối, phần còn lại phải đầu hàng hoặc bị quân ta bắt sống.

Trong tâm thức nghìn năm của người Việt Nam, Bạch Đằng đã trở thành điểm hội tụ của sức sống dân tộc, đúng như lời ngợi ca của Phạm Sư Mạnh: “Vũ trụ kỳ quan Dương Cốc nhật/Giang san vương khí Bạch Đằng thâu” (Kỳ quan của vũ trụ là mặt trời lên tại hang Dương Cốc/Khí thiêng của núi sông đọng lại ở chốn Bạch Đằng).

Như Nguyệt , thế thắng như vũ bão

Ngày 8-1-1077, quân xâm lược Tống tiến vào nước ta theo hai ngả ở biên giới phía Bắc và một ngả theo đường biển Đông Bắc. Một đêm tháng 3 năm đó, 400 chiến thuyền của quân ta ngược dòng sông Như Nguyệt bất ngờ đánh vào cụm quân Quách Quỳ từ hướng Đông. Địch bị bất ngờ, ta thừa thắng chia cắt thành từng mảng và tiêu diệt. Từ hướng Tây Bắc, Lý Thường Kiệt kéo chủ lực vu hồi vào đạo quân Quách Quỳ cách đó 30km. Đạo quân của Thân Cảnh Phúc chặn ở Chi Lăng, phía sau quân ta truy kích theo. Phần lớn quân địch bị tiêu diệt và số còn lại buộc phải rút về nước.

Trận đánh trên sông Như Nguyệt nằm trong tổng thể ý đồ tác chiến chiến lược của Lý Thường Kiệt là tiến công sang đất địch, rồi tổ chức phòng ngự chiến lược để phản công đánh bại hoàn toàn ý đồ xâm lược của chúng. Trong thế thắng, ta vẫn chủ động giảng hòa, mở đường cho giặc rút về nước.

Ba lần đại thắng quân Nguyên Mông

Tháng 1-1258, một đạo quân gồm kỵ binh Mông Cổ và binh lính người Thoán Vân Nam, do tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, từ Vân Nam đánh xuống Đại Việt. Quân ta rút lui, bỏ Thăng Long lại phía sau, nhưng triều đình nhà Trần và quân dân vẫn không nao núng. Ngày 29-1-1258, vua Trần Thái Tông đã đem binh thuyền ngược sông Hồng tiến về Thăng Long. Quân địch bị đánh bật khỏi kinh thành, theo đường cũ, chạy về Vân Nam. Cuộc xâm lược thứ nhất của chúng bị thất bại.

Cuối năm 1284, đạo quân Nguyên Mông do Thoát Hoan chỉ huy sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Cuối tháng 5-1285, Trần Quang Khải cùng với Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản đã đánh tan giặc ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, rồi tiến lên giải phóng Thăng Long. Đám tàn quân hoảng loạn cố mở đường máu tháo chạy về nước. Cuộc chiến tranh xâm lược của Nguyên Mông lần thứ hai bị sụp đổ.

Ngày 9-4-1288, đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi tiến vào sông Bạch Đằng. Khi đoàn thuyền giặc lọt vào trận địa mai phục của ta thì từ các nhánh sông, các thuyền nhẹ của ta lao ra, đánh tạt vào sườn giặc, dồn chúng vào các bãi cọc. Nước triều xuống gấp, thuyền giặc to nặng, lao nhanh theo dòng nước, vướng cọc, tan vỡ rất nhiều. Đến đầu giờ tối, toàn bộ đạo quân thủy của giặc bị tiêu diệt. Thêm một lần nữa, dòng Bạch Đằng lại ghi thêm một chiến công oanh liệt.

Trong vòng ba mươi năm, quân dân ta đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, đội quân xâm lược mạnh nhất và hung hãn nhất thời đó, bảo vệ quyền độc lập tự chủ của đất nước. Sức mạnh để làm nên chiến thắng vĩ đại ấy là khối đoàn kết toàn dân như Trần Hưng Đạo đã nói: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, nước nhà chung sức” và: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.

Trận Chi Lăng-Xương Giang, điển hình về chiến thuật tổng hợp

Cuối năm 1427, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi-Nguyễn Trãi lãnh đạo chống quân Minh xâm lược bước sang năm thứ 10 và đã đứng trước cửa ngõ thắng lợi hoàn toàn. Nhưng để cứu vãn đạo quân Vương Thông đang bị vây hãm ở Đông Quan, giặc Minh đã quyết định phái sang nước ta một đạo viện binh gồm 10 vạn tên do Liễu Thăng chỉ huy. Ngày 10-10, đội tiền quân do Liễu Thăng dẫn đầu rất chủ quan nên đã rơi vào trận địa phục kích của Lê Sát ở cửa ải Chi Lăng. Toàn bộ 1 vạn tên của đội quân này cùng với chủ tướng Liễu Thăng bị diệt dưới chân Mã Yên-Chi Lăng. Đạo viện binh bị tiêu diệt, Vương Thông bị vây ở thành Đông Quan phải đầu hàng và buộc nhà Minh phải chấp nhận rút các lực lượng còn lại về nước, thừa nhận nền độc lập của nước ta.

Việc kết hợp tiến công quân sự với nghi binh, địch vận và vận dụng thành công các hình thức chiến thuật: phục kích, tập kích, truy kích, công thành, tác chiến trận địa… trong trận Chi Lăng-Xương Giang đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong nghệ thuật quân sự của quân ta.

Đại thắng Thăng Long trong mùa xuân Kỷ Dậu 1789

Cuối năm Mậu Thân (1788), 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị thống lãnh, đã tràn vào chiếm đóng kinh thành và kiểm soát phần lớn đất Bắc Hà. Giành được thắng lợi tương đối dễ dàng, Tôn Sĩ Nghị tỏ ra rất chủ quan. Đúng đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn bất ngờ tiến công tiêu diệt đồn tiền tiêu của giặc ở Gián Khẩu, cách Thăng Long gần 90km, mở đầu cuộc đại phá quân Thanh. Mờ sáng mùng 5 Tết (30-1-1789), đạo quân chủ lực của Quang Trung phối hợp với đạo quân đô đốc Bảo công phá và tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Ngọc Hồi-Đầm Mực. Cùng lúc đó, đạo quân do đô đốc Long chỉ huy, bất ngờ diệt đồn Đống Đa rồi đánh thọc sâu vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long. Sự phối hợp hai trận đánh Ngọc Hồi, Đống Đa làm cho Tôn Sĩ Nghị hết sức bất ngờ, choáng váng và lâm vào thế hoàn toàn bất lực, sụp đổ.

Bằng lối đánh thần tốc và một thế trận kết hợp tiến công chính diện mãnh liệt với những mũi thọc sâu bất ngờ và những mũi vu hồi sau lưng, quân ta đã đặt quân Thanh vào thế hoàn toàn bị động, bất ngờ đi từ thất bại này đến thất bại khác và cuối cùng phải chấp nhận sự thảm bại, tháo chạy trong hoảng loạn. Đại thắng xuân Kỷ Dậu 1789 biểu thị tập trung thiên tài quân sự của người Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ.

LÃNG XUYÊN