Trang chủ > Thời tiền sử > DI SẢN NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ CỦA TỔ TIÊN

DI SẢN NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ CỦA TỔ TIÊN

Tháng Tư 2, 2011

Nghiên cứu về chiến tranh và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong lịch sử chống ngoại xâm từ thế kỷ III trước công nguyên đến thế kỷ XVIII, có thể phân các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh thành hai loại, đó là các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng, và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nghệ thuật quân sự trong giai đoạn này vì thế cũng bao gồm cả nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang, nghệ thuật quân sự của chiến tranh giải phóng và nghệ thuật quân sự của chiến tranh giữ nước. Sự hình thành và phát triển liên tục kế tiếp nhau và đan xen nhau của các loại hình đó đã đưa đến sự hình thành và phát triển mạnh mẽ, đặc sắc của một nền nghệ thuật quân sự Việt Nam mà chúng ta đã thừa kế, vận dụng.

“Nền độc lập của nước ta gắn liền với những chiến công oanh liệt của cha ông ta chống lại nhiều đạo quân xâm lược rất mạnh…”

Các cuộc chiến tranh trong lịch sử của dân tộc ta diễn ra trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những chiến công hiển hách của Tổ tiên ta đều có những biểu hiện tương đối thống nhất của một nền nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh độc đáo, ưu việt.

“Chủ nghĩa Mác-Lênin không phủ định lịch sử và tinh hoa của một dân tộc; ngược lại nó còn phát triển những tinh hoa đó đến một trình độ mới trong điều kiện lịch sử mới. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, dân tộc ta đã từng bao phen anh dũng đứng dậy chống nạn ngoại xâm, giữ gìn độc lập cho đất nước. Trong các cuộc đấu tranh vũ trang đó, dân tộc ta đã có những sáng tạo kiệt xuất về tài thao lược.”(1)

Trước nạn ngoại xâm, dân tộc ta không có con đường nào khác là con đường đứng lên cầm vũ khí chống quân thù. Nhưng quân xâm lược là một kẻ địch có lực lượng quân sự mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Để đánh bại một kẻ địch như vậy, Tổ tiên ta đã biết tìm sức mạnh trong khối đoàn kết toàn dân. Còn phải sáng tạo ra cách đánh như thế nào để đánh thắng địch.

Đất nước ta không rộng, người nước ta không đông, địch là một nước lớn, người nhiều của nhiều. Cho nên để giữ gìn đất nước, yêu cầu của dân tộc ta là phải đánh quyết liệt, phải thắng oanh liệt, phải lập nên những chiến công vang dội, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm tan rã ý chí xâm lược của chúng.

Do điều kiện lịch sử trước đây, nền nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Tổ tiên ta không thoát khỏi sự ràng buộc và hạn chế ý thức hệ phong kiến, nhưng từ đời này qua đời khác, nó cũng đã được xây dựng tương đối toàn diện.

Đặc điểm nền nghệ thuật đó là:

1. Nghệ thuật đó không những chỉ đạo lực lượng vũ trang, mà còn chỉ đạo nhân dân vũ trang kết hợp với lực lượng vũ trang.

Nghệ thuật do không chỉ dựa vào quân đội, mà dựa vào dân chúng và quân đội để giành chiến thắng. Toàn dân đánh giặc, điều đó đã được nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược trong lịch sử ta chứng minh. Nhân dân không những cất giấu lương thực, thực hành “thanh giã” gây cho địch nhiều khó khăn về tiếp tế lương thực, mà còn trực tiếp giết giặc. Ở nước ta, “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, thiếu niên, phụ lão cũng đánh, những điều đó đã có từ ngàn xưa.

Nêu lên điểm đó

Nhà quân sự vĩ đại Trần Quốc Tuấn có nói: “Cả nước góp sức chiến đấu nên giặc phải bó tay”. Theo nhà sử học thế kỷ thứ XIX Phan Huy Chú thì “đời Trần nhân dân ai cũng là binh, nên mới phá được giặc dữ, làm cho thế nước được mạnh “.(2)

Với lực lượng vũ trang của cả nước, lực lượng vũ trang các địa phương kết hợp với thổ binh, hương binh, dân binh và dân chúng, sức mạnh của toàn dân, toàn quân được phát huy đến độ cao để diệt giặc.

2. Trong điều kiện ta là một nước đất không rộng, người không đông, phải đánh thắng những quân đội xâm lược lớn mạnh, dân tộc ta đã tạo nên một nghệ thuật mà Tổ tiên ta gọi là “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu trị mạnh, lấy đoản chống trường”.

Trong nhiều cuộc chiến tranh, quân và dân ta đã đánh địch cả ở trước mặt và sau lưng, đánh địch tại chỗ, không những tiêu diệt sinh lực địch mà còn làm tan rã quân xâm lược về tổ chức và về tinh thần, không những đánh tập trung mà còn đánh phân tán, dùng nhiều cách đánh, đánh những đòn oanh liệt làm cho địch gãy xương sống, nát xương sườn. Tổ tiên ta coi trọng việc dùng lực lượng một cách hợp lý, nhằm đạt hiệu lực cao, như Nguyễn Trãi nói: “sức dùng có nửa, công được gấp đôi”. Không những biết giành thắng lợi quân sự quyết định mà còn có biện pháp để củng cố những thắng lợi đó.

Câu ca dao từ ngàn xưa:

Nực cười, châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”
.

có thể nói lên phần nào đặc điểm này.

3. Nghệ thuật đó xây dựng trên cơ sở một tinh thần yêu nước rất cao, một tinh thần quật cường bất khuất, tự lập tự cường rất mạnh, trên cơ sở tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh, nên có sức sống mãnh liệt, có tinh thần tích cực chủ động rất cao. Nền nghệ thuật đó biết phát huy những chỗ mạnh mọi mặt của mình nhất là chỗ mạnh về tính chất chính nghĩa, về ý chí bất khuất kiên cường của dân tộc, về chất lượng mọi mặt của quân đội, để đánh quân địch vào chỗ chúng yếu, lúc chúng yếu. Nhiều nhà quân sự nổi tiếng thời xưa thường nhấn mạnh cách đánh chủ động linh hoạt, nhử người đến, chứ không để người nhử, cách đánh vu hồi, bao vây chặt chẽ để tiêu diệt gọn, tiến công liên tục, dồn địch vào thế bị động chịu đòn, không có cách nào thoát khỏi bị tiêu diệt.

4. Nghệ thuật đó rất sáng tạo, độc đáo, rất xuất sắc, tinh vi, rất mưu trí và linh hoạt:

“Ông cha ta ngày trước có nhiều sáng tạo về cách đánh giặc, không có sáng tạo đó, không thể giữ được nước, không thể giành lược tự do “.(3)

Anh dũng và thông minh là hai yếu tố tạo nên súc mạnh của dân tộc ta trong chiến đấu chông ngoại xâm“.(4)

Tổ tiên ta biết dựa trên yếu tố chính nghĩa, trên tinh thần yêu nước nồng nàn và chiến đấu anh dũng của quân và dân, phát huy mọi cái mạnh của ta trong điều kiện ta chiến đấu trên đất nước mình, đánh bại những đạo quân xâm lược từ xa đến, mà sáng tạo ra cách đánh của ta, buộc địch phục tùng ý chí của ta, buộc địch đánh theo cách đánh có lợi cho ta, không cho địch đánh theo cách đánh sở trường của chúng.

Nguyễn Huệ nói: “Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm dẻo, chứ không phải lấy mạnh đè yếu, lấy nhiều hiếp ít”.(5)

Trong chỉ đạo chiến tranh, Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh: “Phải xem xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy theo thời cơ mà ứng biến cho đúng”.(6)

Ngô Thời Nhiệm, một tướng giỏi của Nguyễn Huệ, cho rằng là một người tướng giỏi phải biết“lường thế giặc rồi mới đánh, nắm phần thắng rồi mới hành động, tùy theo tình thế thay đổi mà bày ra chước lạ”.(7)

Sức sáng tạo của dân tộc ta thể hiện ở chỗ, không phải chỉ có quân đội đánh giặc, mà là cả nhân dân và quân đội cùng đánh. Ta yếu mà ta đánh thắng đó cũng là sáng tạo. Sự nỗ lực chủ quan phi thường của toàn dân tộc, sức sống mãnh liệt của nền nghệ thuật đó cũng nói lên sức sáng tạo này.

Nền nghệ thuật đó dựa trên cơ sở đánh giá địch ta một cách bình tĩnh, hiểu địch, hiểu ta một cách sâu sắc.

Trần Quốc Tuấn cho rằng: “Nếu thấy quân giặc tràn sang như gió như lửa, thì thế giặc có thể dễ chống cự được”

Nguyễn Trái nói: “Tri kỷ tri bỉ, năng nhược năng cường”.(9) Nghĩa là biết người biết ta, có thế yếu, có thế mạnh.

Tổ tiên ta đã không nao núng vì sức mạnh tạm thời của địch, không bị uy hiếp vũ bão bên ngoài của chúng. Những nhà quân sự thời xưa của ta hiểu rõ ta không phải chỉ có yếu, mà còn có mạnh, hơn nữa có những chỗ mạnh rất cơ bản; còn địch, không phải chỉ có mạnh, mà còn có yếu, những chỗ yếu trí mạng tất yếu; đồng thời cũng thấy rõ những chỗ và lúc địch yếu, ta mạnh để có những chủ trương chiến lược thích hợp.

Nhìn bao quát cả cuộc chiến tranh, Tổ tiên ta không sợ địch, tin tưởng mình có thể đánh bại địch. Trong việc xử trí tình huống chiến lược cụ thể thì không khinh địch, đánh giá đúng mức sức mạnh ban đầu của quân xâm lược: lúc quân địch còn mạnh thì ta hành động rất thận trọng, nhưng khi địch đã trở thành yếu lại hành động rất táo bạo. Trước thanh thế lớn lao của quân Thanh tiến vào xâm lược nước ta, lời phân tích của Ngô Thời Nhiệm sau đây nêu rõ được phần nào điều đã nói trên: “Giống như đánh cờ, trước thì chịu thua người một nước, sau mới được người ta một nước; đừng có đem nước sau làm nước trước, đó mới là tay cao cờ. Nay ta hãy bảo toàn lấy quân lực mà rút lui, không bỏ mất một mũi tên. Cho chúng ngủ trọ một đêm, rồi lại đuổi đi, cũng như ngọc bích, của nước Tấn đời xưa, vẫn nguyên lành chứ có mất gì”,(10) (chúng tôi nhấn mạnh T.G).

Trên cơ sở đánh giá đúng đắn tình thế khách quan, biết địch biết ta một cách đúng đắn, Tổ tiên ta đã phát huy đến mức độ cao nỗ lực chủ quan, phát huy đến độ cao trí tuệ của mình, tìm ra trăm phương nghìn kế, khắc phục muôn vàn khó khăn gian khổ và đã lập nên những chiến công kỳ lạ. Đó cũng chính là điều kiện làm cho tính sáng tạo trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh đạt đến trình độ rất cao, câu nói của Nguyễn Trãi có thể nêu rõ điều đó:

“Có lẽ nhiều tai nạn chính là cái gốc để dựng nước, mà sự băn khoăn lo lắng cũng là cái nền đề mở ra nghiệp thánh.

Trải biến cố nhiều thì trí lự sâu.
Lo công việc xa thì thành công kỳ.
Đế vương nổi lên, ai cũng thế này”.
(11)

Yếu có thể đánh mạnh, ít đánh nhiều là do tinh thần dũng cảm, dám đánh và sau đó là biết đánh: đánh mai phục, lừa địch vào sâu, toàn dân đều đánh, v.v.

Có thể nêu lên một số nội dung chính của nền nghệ thuật đó thành 3 vấn đề lớn như sau:
A. Chỉ đạo quân sự.
B. Địch vận.
C. Đấu tranh vũ trang và đấu tranh ngoại giao.

—————————————————

1. Võ Nguyên Giáp. Mấy vấn đề về đường lối quân sự của Đảng ta. Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1970 tr 43.
2. Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, tập IV, bản dịch. Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1961, tr.6.
3 . Lê Duẩn. Thanh niên trong lực lượng vũ trang hãy vươn lên hơn nữa phấn đấu cho lý tưởng cách mạng, đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1969, tr.2.
4. Lê Duẩn. Cứu nước là nghĩa vụ thiêng liêng của cả dân tộc. Tạp chí Quân đội nhân dân, số 12 năm 1960 tr.5.
5. Tây Sơn bang giao tập. Dẫn trong “Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ” của Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng, nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1971, bản in lần thứ hai, tr.344.
6. Việt sử thông giám cương mục. Tập V, bản dịch, tr. 100.
7. Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, bản dịch. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1964, tr.342.
8. Việt sử thông giám cương mục, tập V, tr. 99.
9. Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, bản dịch. Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1962, tr. 115.
10. Ngô gia văn phái, tài liệu đã dẫn, tr. 342.
11. Nguyễn Trãi. Chí Linh sơn phú.

A – CHỈ ĐẠO QUÂN SỰ

1. Trong chỉ đạo tác chiến về chiến lược, chiến thuật, dân tộc ta đã từng có kinh nghiệm tốt về đánh lâu dài:

Xét thực tiễn diễn biến của nhiều cuộc chiến tranh thắng lợi có thể thấy rõ Tổ tiên ta không bao giờ đi chệch khỏi mục đích quân sự cuối cùng là tiến công tiêu diệt địch trên đất nước ta. Nhưng Tổ tiên ta cũng không hề tách mục đích cần đạt đó với điều kiện khách quan là lúc đầu lực lượng quân sự địch mạnh, ta yếu.

Trước quân địch lớn mạnh, các nhà quân sự ta đã biết tránh quyết chiến trong điều kiện không có lợi khi cuộc chiến tranh mới bắt đầu nhằm bảo toàn lực lượng tranh thủ thời gian, tạo nên thế có lợi cho ta, làm địch suy yếu, bồi dưỡng lực lượng ta, rồi từng bước tiêu diệt quân địch mà giành thắng lợi trong chiến tranh.

Trong chiến tranh tự vệ, trước thế tiến công mạnh mẽ của quân địch có ưu thế về số lượng. Tổ tiên ta đã tránh không dốc toàn bộ lực lượng để hòng phân thắng bại, giành thắng lợi nhanh chóng ngay buổi đầu, mà đã biết thực hành rút lui chiến lược, có gan rút bỏ kinh đô, cho địch vào sâu mà tiêu hao địch. Trong chiến tranh chống quân Nguyên lần thứ nhất, trước ý định của vua Trần quyết chiến với địch trong điều kiện không có lợi ở gần biên giới, tướng Lê Phủ Trân đã can rằng: “Làm như vậy thì chỉ như những người dốc hết túi tiền để đánh nốt tiếng bạc mà thôi”(12), và khuyên “hãy nên lánh đi”(13). Trong chiến tranh chống quân Nguyên lần thứ hai, Trần Quốc Tuấn đã chủ trương “Nguyên binh khí nhuệ đương hưng, kịp đánh chẳng bằng kiên thủ chờ suy”(14). Do đó quyết định rút khỏi Vạn Kiếp, rút khỏi kinh thành. Nhận xét về chủ trương rút bỏ Thăng Long của Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn Huệ đã đánh giá “Chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của chúng, đành hãy chỉnh đốn đội ngũ, rút về giữ chỗ hiểm yếu, trong thì khiên cho lòng quân kích thích, ngoài thì khiến cho lòng giặc kiêu căng…”(15).

Nhưng rút lui chiến lược của Tổ tiên ta có những nét độc đáo. Đất nước ta không rộng, chiều sâu không lớn, nếu cứ rút mãi thì sẽ không còn đất để mà rút, phải tự hãm mình vào thế bị động nghiêm trọng. Trong chiến tranh chống quân Nguyên lần thứ hai, Trần Quốc Tuấn đã chặn đứng địch ở phía nam, trong khi ở phía bắc thì chỉ huy chủ lực rút lui từng bước. Trong cuộc chiến tranh này cũng như nhiều cuộc chiến tranh tự vệ khác, khi chủ lực rút lui, quân địa phương vẫn ở lại phối hợp với thổ binh, dân binh, hương binh đánh địch tại chỗ, thực hiện rút phía trước nhưng đánh mạnh phía sau lưng địch. Tóm lại, trong quá trình rút lui vẫn tiến công tích cực. Trong lịch sử dân tộc, cũng có những nhà cầm quân không biết tiếp thu nghệ thuật đúng đắn đó của dân tộc, nên đã bị thất bại; trong chiến tranh chống quân Minh dưới thời Hồ, trận quyết chiến thất bại ở Đa Bang, rồi chỉ rút chạy dài mà không tích cực tiến công địch, đã đưa cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta đến thất bại.

Thừa nhận sự cần thiết rút lui chiến lược, biết cách rút lui đúng đắn và có lợi, các nhà quân sự ta còn thông thạo trong việc tạo nên điều kiện để chuyển sang quật trả lại địch những đòn quyết liệt, biết vận dụng một cách sáng tạo nguyên tắc quân sự cổ điển “Dĩ dật đãi lao” tức là lấy nhàn chờ mệt, lấy mạnh chờ yếu, lấy sung sức chờ hao mòn. Trong quá trình phòng ngự, rút lui, không những đã liên tục tiêu hao địch, buộc địch phải chịu ảnh hưởng không lợi của khí hậu và địa hình nước ta, hãm chúng vào tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, mà còn biết buộc địch rải quân ra (như Trần Quốc Tuấn) hoặc làm cho địch sơ hở phạm sai lầm (như Nguyễn Huệ) tức là tạo nên một thế chiến lược khiến cho địch từ mạnh trở thành yếu, tự bộc lộ nhược điểm, để diệt đội quân xâm lược lớn mạnh.

Để đạt tới mục đích đó, các nhà quân sự ta thường dùng hai cách: Một là, khi địch đã rải quân, ta đi từ thắng lợi nhỏ, vừa, đến thắng lợi lớn, tạo nên bước ngoặt trong chiến tranh. Trong trường hợp này, Tổ tiên ta đã tỏ ra biết nắm quy luật phát triển của địch trong chiến tranh. Trong quá trình ta phản công, quân địch bị tiêu diệt từng bộ phận ngày càng lớn hơn, đến một mức nào đó, khi nhưng đạo quân nào đó bị tiêu diệt, thì đoàn quân xâm lược to lớn của địch bắt đầu tan rã (như Lý Thường Kiệt đánh quân Tống, Trần Quốc Tuấn đánh quân Nguyên). Khi chưa tạo ra được bước ngoặt chiến lược Tổ tiên ta biết đánh địch một cách vừng chắc. Khi thì lấy ít thắng nhiều, khi thì lấy nhiều thắng ít, tiêu diệt tiêu hao địch, tạo ra từng bước chuyển biến, nhưng chủ yếu vẫn là lấy ít thắng nhiều. Nhưng sau khi bước ngoặt diễn ra, lại táo bạo lấy ít đánh nhiều, dốc lực lượng thường không nhiều của mình đánh vào toàn bộ quân địch với số lượng còn to lớn nhưng chất lượng đã suy sụp mà giành thắng lợi quyết định cho cuộc chiến tranh tự vệ. Hai là, địch tuy chưa rải quân nhưng có sơ hở nên ta thực hành chia cắt địch ra từng mảng, giáng những đòn mãnh liệt vào chỗ hiểm nhất của địch, đánh vào trung tâm đầu não của chúng khiến cho địch choáng váng, kinh hoàng, rối loạn, tê liệt, (như Nguyễn Huệ đánh quân Thanh). Từ những cuộc chiến tranh thắng lợi đó có thể thấy rằng ngay trong khi rút lui chiến lược, các nhà quân sự ta luôn luôn nhằm vào mục đích phản công tiêu diệt địch, tích cực tạo điều kiện để chuyển sang phản công chiến lược. Trong phản công chiến lược đã sáng tạo ra cách đánh tiến công lần lượt hoặc đồng thời, tiến công từ nhỏ đến lớn hoặc đánh một đòn quyết định.

Trong chiến tranh giải phóng, Tổ tiên ta đã thực hiện chiến lược đánh lâu dài một cách khác. Trong điều kiện dân tộc ta sống dưới sự thống trị của phong kiến nước ngoài và bè lũ tay sai, các nhà yêu nước ngày xưa đã nắm được khá chính xác tình hình so sánh lực lượng giữa hai bên, thấy rõ thế và lực của địch và ta, lãnh đạo dân tộc vùng lên khởi nghĩa, thực hành liên tục tiến công địch cho đến khi đánh đổ hoàn toàn nền thống trị của chúng. Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn phát triển thành chiến tranh giải phóng lâu dài. Trong quá trình đó, về chiến lược ta không ngừng tiến công địch trong nhiều năm liền (không kể thời gian đình chiến) với quy mô ngày càng to lớn cho đến thắng lợi hoàn toàn. Còn địch thì không ngừng phản công hòng tiêu diệt lực lượng khởi nghĩa và khôi phục nền thống trị của chúng. Chúng nhiều lần tăng thêm quân đội từ chính quốc nhưng thế phản công chung của chúng không ngừng sút kém; chúng ngày càng đi sâu vào thế phòng ngự cho đến khi chịu thất bại hoàn toàn. Trên chiến trường, quá trình giao tranh giữa ta và địch diễn ra theo hình thái: ta tiến công và phản công đánh tan các cuộc phản công và tiến công của địch cho đến thắng lợi hoàn toàn.

Khi mới bắt đầu đứng lên tiến công địch, tuy thế chính trị và chiến lược trên những mặt nào đó có lợi cho ta không lợi cho địch, nhưng lực lượng quân sự địch nhiều hơn ta. Trong điều kiện đó các nhà quân sự ta đã cho biết “chờ thời cơ để lừa khi địch mỏi mệt, giấu mũi nhọn và bít ánh sáng” buộc địch phải đánh lâu dài, ngày càng tiêu hao, suy yếu; còn ta có thể tránh thủ thời gian xây dựng, mở rộng lực lượng vũ trang và chỗ đứng chân của mình. Do đó mà tạo nên thời cơ chiến lược có lợi giáng cho địch những đòn quyết định, trong những năm sau của cuộc chiến tranh giải phóng lâu dài.

Khởi nghĩa Lam Sơn và nhiều cuộc khởi nghĩa khác của dân tộc ta trong lịch sử đã sáng tạo ra một kinh nghiệm quý báu: Trong thế chính trị và chiến lược chung có lợi ích cho ta, không lợi cho địch ở một số mặt, có thể tạo thành ưu thế cục bộ mà tiến công địch, phát triển tiến công từ nhỏ đến lớn, từ cục bộ đến toàn cục, giành thắng lợi hoàn toàn trong chiến tranh giải phóng lâu dài.

Có thể nói hình thái phát triển của những cuộc chiến tranh tự vệ và giải phóng đã nói trên như sau:

Thời Lý: Phòng ngự chiến lược tích cực, phản công chiến lược.

Thời Trần: Rút lui chiến lược, phản công chiến lược.

Thời Tây Sơn: Rút lui chiến lược, phản công chiến lược.

Thời Lê: Liên tục tiến công chiến lược từ nhỏ đến lớn (có 2 năm đình chiến).

Thời Hồ: Phòng ngự, rút lui.

Trong bốn cuộc chiến tranh thắng lợi trên, nhờ biết tránh quyết chiến chiến lược trong điều kiện không lợi, tiến lên quyết chiến trong điều kiện có lợi, Tổ tiên ta đã đưa chiến tranh lâu dài đến thắng lợi hoàn toàn. Ngược lại, trong chiến tranh thời Hồ, do bị buộc phải quyết chiến với địch trong điều kiện không lợi cho ta mà lợi cho địch, không biết bảo toàn chủ lực trong tình hình địch mạnh, ta yếu, dốc sức để phân thắng bại ngay từ đầu, kết quả là chủ lực tan vỡ. Do không nắm vững được quy luật chỉ đạo chiến tranh tự vệ theo chiến lược đánh lâu dài của thời Lý, thời Trần, nên bị thất bại là điều tất yếu.

Đáng chú ý là các nhà quân sự của ta nghiên cứu, tham khảo Tôn Tử, nhưng không theo quan điểm “thắng nhanh” của Tôn Tử. Binh pháp Tôn Tử cho rằng “việc dùng binh, chỉ nghe nói có tốc quyết vụng về, chứ không thấy có lâu dài, khôn khéo; chiến tranh lâu dài mà có lợi cho quốc gia là việc không thế có”. Biết đánh lâu dài, điều đó chứng tỏ tinh thần độc lập sáng tạo của Tổ tiên ta.

Chính sách “Ngụ binh ư nông” (nghĩa là đặt binh ở nông thôn) được thi hành ở nước ta từ khá sớm, nhất là từ thời kỳ Lý, Trần trở đi. Chính sách đó nhằm bảo đảm có số quân tập trung của triều đình đến mức cần thiết và hợp lý, giảm một phần nào đóng góp của nhân dân và tiêu dùng của nhà nước, bảo đảm có sức sản xuất để đánh lâu dài. Điều quan trọng hơn nữa là với chính sách đó, ngoài việc bảo đảm có quân đội tập trung, còn tổ chức nên những đội dân binh (hương binh, thổ binh) bảo vệ các thôn, ấp, đánh địch tại chỗ. Thời Lê lại phát triển đến chính sách “vừa đánh giặc vừa cày ruộng” nhằm bảo đảm xây dựng “chỗ đứng chân” để từ đó tiến lên giải phóng toàn bộ đất nước. Đó là những điều kiện rất quan trọng để có thể đánh lâu dài.

Đánh lâu dài rõ ràng là một kinh nghiệm quý báu của dân tộc ta. Khi thì đánh đòn phủ đầu trước, khiến địch phải tiến quân trong thế bị động, rồi chặn đứng địch trên tuyến thuận lợi đã chuẩn bị sẵn, chuyển sang quật trả địch (Lý). Khi thì cho địch vào thật sâu, buộc địch rải quân, rồi chọn thời gian, địa điểm tốt, đánh địch từng trận đến khi tiêu diệt toàn bộ (Trần). Khi thì lập chỗ đứng chân quần nhau lâu dài với địch, rồi tiến lên đánh bại hoàn toàn quân địch (Lê). Khi thì chủ động rút, nhân sơ hở của địch, điều động chủ lựe từ xa tới, chiến thắng địch trong một trận thần tốc (Tây Sơn)…Hình thức nhiều hình nhiều vẻ, nhưng nội dung là một: tránh quyết chiến với địch trong điều kiện không lợi, làm cho địch từ chiến lược đánh nhanh thắng nhanh phải chuyển sang đánh lâu dài, đợi cho địch từ mạnh trở thành yếu, lực còn nhiều nhưng thế đã yếu, số lượng còn đông nhưng chất lượng đã kém; còn ta thì giữ gìn và bồi dưỡng được lực lượng, tiến lên đánh cho địch một đòn hoặc nhiều đòn quyết chiến chiến lược liên tiếp, tiêu diệt phần lớn hay toàn bộ quân địch, giành thắng lợi to lớn. Điều đáng chú ý là, trong quá trình đánh lâu dài như vậy, các nhà quân sự ta đã biết chớp thời cơ có lợi chuyển sang giáng cho địch những đòn mãnh liệt, giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn. Trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược của dân tộc ta, tư tưởng, đường lối chung về chiến lược là đánh lâu dài, vì quân xâm lược thường mạnh hơn quân ta lúc đầu. Nhưng căn cứ vào các điều kiện chủ quan, khách quan khác nhau về các mặt của cuộc chiến tranh mà tình hình lâu dài có khác nhau. Cũng có cuộc chiến tranh, giành thắng lợi trong một thời gian tương đối ngắn.

—————————————————-

12,13. Việt sử thông giám cương mục, tập V, tr.34.
14. Thiên nam ngữ lục.
15. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, bản dịch của Ngô Tất Tố. Nhà xuất bản Mai Lĩnh, Hà Nội, 154, tr.531.

2. Trong nhiều cuộc chiến tranh, các nhà quân sự thời xưa đã biết khéo léo vận dụng hai cách đánh: đánh phân tán và đánh tập trung, tạo nên sức mạnh to lớn để đánh bại quân địch.

Biết kết hợp cách đánh nhỏ của dân chúng và các lực lượng vũ trang địa phương nhỏ bé với cách đánh tập trung lớn của quân đội triều đình là một sáng tạo quan trọng của Tổ tiên ta.

Trong tất cả các cuộc chiến tranh chống xâm lược của dân tộc ta lực lượng vũ trang tập trung của ta bao giờ cũng kém xa địch về số lượng và ở một mức độ nhất định, cũng kém địch về trang bị kỹ thuật, vật chất, nhất là trong thời kỳ đầu của chiến tranh. Để đánh thắng một quân giặc mạnh hơn, ta không thể chỉ đánh bằng riêng các lực lượng vũ trang tập trung được, mà phải đánh bằng tất cả tinh thần và vật chất của dân tộc ta, của toàn thể nhân dân ta. Tất cả các cuộc chiến tranh chống xâm lược đã thắng lợi trong lịch sử nước ta đều là những cuộc chiến tranh mà toàn thể dân tộc ta, toàn thể nhân dân ta gián tiếp và trực tiếp cùng các lực lượng vũ trang của mình đánh giặc.

Trong nhiều triều đại, tổ chức lực lượng vũ trang không phải chỉ có quân đội của triều đình. Tuy tên gọi khác nhau, cách tổ chức cũng có điều khác nhau, song thường có 3 cấp lực lượng rõ rệt: quân tập trung của triều đình gọi là du quân, đại quân; quân ở các địa phương (quân do các chính quyền địa phương tổ chức và quản lý hoặc quân của các vương hầu nhưng chịu sự chỉ huy của triều đình) tuỳ từng thời mà gọi là quân các lộ, quân các đạo; và dân binh còn gọi là thổ binh hoặc hương binh. Quân tập trung của triều đình thường làm nhiệm vụ cơ động trong cả nước. Quân ở các địa phương có trách nhiệm giữ các lộ, các đạo, các thành quan trọng, còn dân binh thì bảo vệ các thôn ấp.

Nhờ biết tổ chức lực lượng một cách rộng rãi và hợp lý như vậy, cho nên dân tộc ta, đã có thể thực hành vừa đánh phân tán, vừa đánh tập trung, vừa đánh nhỏ, vừa đánh lớn. Và chính nghệ thuật biết vận dụng khéo léo các hình thức đánh phân tán và tập trung như vậy, đã cho phép huy động được lực lượng to lớn của toàn dân và các lực lượng vũ trang ở các cấp để tiêu diệt địch. Cách đánh nhỏ, phân tán của dân chúng và quân đội, đã từng có một địa vị và tác dụng rất lớn trong lịch sử dân tộc ta. Triệu Quang Phục dùng cách đánh “đột xuất ra cướp lương thực, cầm cự lâu ngày, làm cho quân giặc mệt mỏi, trong 3, 4 năm không hề đối diện chiến đấu”(16) đã làm quân Lương vô cùng khốn đốn, sức cùng chí nản. Thời Trần, các đội dân binh cùng dân chúng đã làm quân Nguyên nhanh chóng mất sức tiến công. Thời Lê nghĩa quân Lam Sơn lúc lên phía bắc, thoắt quay về nam, khi xuất hiện ở đông, lúc đánh úp ở tây, nên với quân số ít, đã từng đánh tan nhiều cuộc tiến công càn quét có khi đông đến hàng chục vạn quân Minh.

Cách đánh lớn, tập trung của quân đội triều đình (quân chủ lực) đã từng lập nên những chiến thắng oanh liệt: Bạch Đằng, Chương Dương, Vạn Kiếp, Xương Giang, Ngọc Hồi, Đống Đa … Đáng chú ý là cách đánh tập trung của quân đội ta thời xưa cũng có đặc điểm rất Việt Nam, phù hợp với điều kiện đất không rộng, người không đông. Đó là những cách đánh mà nhà nước quân sự thời xưa gọi là “xuất kỳ bất ý”, là “công kỳ vô bị” là đánh bằng kỳ binh, phục binh, tức là những cách đánh không bộc lộ mục tiêu, không đối trận với địch, mà dựa vào điều kiện nhân dân ủng hộ mà phát huy đến độ cao tính bất ngờ, giáng những đòn rất mạnh, giải quyết trận đánh rất nhanh “sấm ran, chớp giật” như Nguyễn Trãi nói.

Trong triều đại, Tổ tiên ta đã nhiều lần vùng lên, bắt đầu khởi nghĩa ở một số địa phương, tiến hành đánh du kích, cuộc khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh giải phóng nhằm lật đổ ách thống trị của nước ngoài, khôi phục quyền làm chủ của dân tộc. Về quân sự, ta đã từ đánh du kích, đánh nhỏ, tiến lên đánh tập trung với quy mô ngày càng lớn. Việc phát triển từ đánh du kích lên đánh tập trung đã cho phép dân tộc ta giành được thắng lợi to lớn và quyết định trong việc chiến tranh, giải phóng lâu dài. Cuộc chiến tranh của Triệu Quang Phục chống quân Lương đã chứng minh rõ ràng điều đó và cuộc chiến tranh giải phóng thời Lê có thể xem là một điển hình thành công của dân tộc ta trong lịch sử thời xưa về việc vận dụng khéo léo đánh du kích và đánh tập trung.

Trong lịch sử chiến tranh của dân tộc, Tổ tiên ta đã nhiều lần biết kết hợp khéo léo đánh phân tán và đánh tập trung. Trong chiến tranh giải phóng, sau khi đã từ đánh phân tán mà phát triển lên đánh tập trung, Tổ tiên ta đã biết kết hợp hai cách đánh đó, nhờ đó mà phát huy được sức mạnh to lớn của toàn dân (thời Lê). Trong chiến tranh tự vệ có những lần dân ta dựa vào lực lượng quân đội đánh tập trung quy mô lớn, mà giành những thắng lợi vang dội, như Lý Thường Kiệt đánh phủ đầu mà phá kế hoạch xâm lược của nhà Tống; Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Tình hình đó không tách rời khỏi sự chỉ huy tài tình biết nhằm nơi địch sơ hở mà nhanh chóng giáng đòn mãnh liệt, quyết định, không tách rời khỏi sự ủng hộ to lớn nhiều mặt của nhân dân. Nhưng nhìn chung thì trước kẻ thù lớn mạnh đang xâm lược nước ta, việc kết hợp cách đánh của quân đội triều đình (quân chủ lực) với cách đánh nhỏ của quân đội của địa phương và của dân chúng, cho phép dân tộc ta phân tán, tiêu hao, làm suy yếu quân địch tạo ra điều kiện thuận lợi cho quân đội tập trung tiêu diệt quân địch nhờ đó mà nhiều lần chiến thắng oanh hệt. Nhiều triều đại đơn thuần dựa vào quân đội tập trung, nhất là khi lại phạm sai lầm về chỉ đạo chiến lược đã bị thất bại (An Dương Vương, Lý Phật Tử, Hồ Quý Ly).

Đưa đánh du kích lên tập trung, kết hợp đánh tập trung và đánh du kích, là một kinh nghiệm sáng tạo của dân tộc ta. Kinh nghiệm chiến tranh thắng bại của nhiều triều đại hoặc ngay trong bản thân một số triều đại, đã chứng minh tính chất quan trọng của sự kết hợp đó.

Sự nghiệp chống ngoại xâm của Lý Bôn (Lý Bí) đã để lại cho ta ba bài học lịch sử khác nhau: Bài học thành công lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa khôi phục nền độc lập; bài học thất bại gần mất hết nghiệp nước hhi lấy mạnh chọi mạnh theo chiến lược dốc túi đánh nhanh thắng nhanh chống lại quân phong kiên xâm lược Trần Bá Tiên (nhà Lương); sau đó phải lui quân về Hưng Hóa để tổ chức lại đội ngũ mưu tính cuộc kháng chiến lâu dài, giao binh quyền cho Triệu Quang Phục chuyển sang không trực diện đánh ban ngày với địch mà đêm đêm bí mật tổ chức đánh úp (tập kích) tiêu diệt địch, lấy lương thực vũ khí của địch để đánh lâu dài đến khi nhà Lương bị quét sạch, đó là bài học thứ ba, bài học thành công.

———————————————–

16. Lĩnh nam trích quái, bản dịch, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1960, tr. 37. ——————————————————-

3. Tư tưởng chỉ dạo tác chiến về chiến lược chiến thuật của tổ tiên ta có nhiều điều rất tiến bộ.

a) Trong việc chỉ đạo chiến lược chiến thuật. Tổ tiên ta đã biểu lộ một tinh thần tích cực, chủ động tiến công rất mãnh liệt.

Trong chiến tranh tự vệ, tinh thần đó biểu hiện trong các hoạt động chiến lược của quân đội nhà Lý (Lý Thường Kiệt đánh phủ đầu phá các cuộc xâm lược của nhà Tống), quân đội nhà Trần (trong cả ba cuộc chiến tranh, nhất là trong các trận phản công chiến lược); và trong cuộc hành binh táo bạo và thần tốc đại phá quân Thanh của quân đội Tây Sơn thì tinh thần đó được phát huy đến độ cao.

“Ngồi đợi giặc đến, không bằng đánh trước làm nhụt nhuệ khí của gìặc”(17).

Trong chiến tranh giải phóng, tinh thần đó biểu hiện trong khắp các cuộc khởi nghĩa của dân tộc ta, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh thời Lê.

Tinh thần tích cực chủ động tiến công rất mãnh liệt đó không tách rời khỏi lòng yêu nước nồng nàn, chí kiên cường bất khuất của dân tộc ta.

“Trong quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải luôn luôn chông giặc ngoại xâm đế bảo vệ độc lập, tự do, sự sống còn của mình, cho nên có tinh thần tụ vệ rất mạnh. Chính trên cơ sở của tinh thần tụ vệ mạnh mẽ đó đã nảy sinh ra cách đánh giặc của người Việt Nam. Không phải là ngẫu nhiên mà trong lịch sử nước ta, mỗi khi dân tộc ta vùng dậy chống ngoại xâm, là chỉ tiến công chừ không phòng ngư, tiến công kẻ xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc của mình. Tiến công là chiến lược, còn phòng ngự chỉ là sách lược”(18).

b) Về thực tế cũng như về lý luận, trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh tự vệ, nghệ thuật chỉ đạo tác chiến Tổ tiên ta đều chú trọng tránh chỗ mạnh của địch, giành chỗ lợi cho mình, lấy cái mạnh của mình tìm chỗ yếu của địch mà đánh. Do đó, sức mạnh của địch không dùng được, lực lượng lớn của địch không phát huy hết sức mạnh, không đạt được hiệu quả cao. Trái lại ta thì dùng mọi sức mạnh của ta một cách thích hợp, có thể tiến công tiêu diệt địch ở mọi nơi, mọi lúc với quy mô khác nhau.

Nói chung, Tổ tiên ta thừa nhận công thành là “hạ sách” và nhấn mạnh đánh bất ngờ, mai phục, đánh úp.

“Đánh ở chỗ không có thành, công ở chỗ không có luỹ, chiến ở chỗ không có trận, nhẹ nhàng như mưa rơi ở trên không xuồng, gây nên cuộc đời vô sự”.(19)

“Lấy yếu thắng mạnh, tiến công khi giặc không chuẩn bị, lấy ít đánh nhiều, thường mai phục, ra kỳ binh”.(20)

Trên thực tế chỉ đạo chiến lược chiến thuật, các nhà quân sự ta, biết cắt địch ra từng mảnh, tiêu diệt địch từng bộ phận, đánh bại địch từng bước. Trong dân gian từ xưa thường có câu “bẻ đũa không bẻ cả nắm”, “đánh rắn phải dập nát đầu”, những câu đó nói lên tư tưởng cắt địch ra từng mảnh, đánh vào những chỗ hiểm yếu nhất của địch để tiêu diệt chúng.

Quán triệt những tư tưởng trên, các nhà quân sự của ta thông thường biết:

Lợi dụng những sơ hở, những chỗ yếu của địch. Do nhận thức được địch có những chỗ yếu về nhiều mặt, nhất là những chỗ yếu trí mạng do tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược đẻ ra. Các nhà quân sự thời xưa một mặt phát hiện những chỗ yếu của chúng để lợi dụng, mặt khác khoét sâu sơ hở và nhược điểm đó của địch rồi giáng những đòn mạnh mẽ.

“Đánh mà muốn lấy được phải đánh vào chỗ giặc không giữ, nếu quân địch lấy quân các nơi tăng cường cho Nghệ An, thành ta khó đánh, trái lại các nơi khác, thì địch sơ hở, chi bằng chi quân đi đánh các nơi khác, khiến Nghệ An bị hãm vào thế cô lập, tức khắc giặc phải hàng. Các bậc tướng giỏi đời xưa tránh chỗ thực, công chỗ hư…”(21)

“Binh đánh vào đâu như lấy đá gieo vào quả trứng. Phàm lấy sức nặng ngàn cân đè lên trứng chim, thì chưa hề có trứng nào không vỡ nát”(22).

“Nuôi uy chứa sức, đợi đánh tan viện binh thì thành phải hàng, làm một được hai”(23).

Cuộc tiến công Chương Dương, Tây Kết, trận đánh thuyền lương Trương Văn Hổ, cuộc tiến quân của Lê Lợi vào Nghệ An, Diễn Châu, Tân Bình-Thuận Hóa, cuộc hành binh táo bạo của Nguyễn Huệ ra Thăng Long đều là những trận chiến thắng nêu rõ sự lợi dụng khéo léo sơ hở và nhược điểm của địch của Tổ tiên ta.

Tạo nên sơ hở cho địch, làm cho địch bộc lộ chỗ yếu bằng nhiều biện pháp tích cực khác nhau, như nghi binh, tỏ ra yếu, che giấu ý định của mình, đưa địch vào những địa điểm bất lợi, v.v. Các nhà quân sự ta đã làm cho địch nhận định sai lầm, chủ quan, khinh thường đối phương, hành động sai lầm, do đó tự bộc lộ sơ hở, nhược điểm. Những cuộc xuất kích trên tuyến sông Cầu của Lý Thường Kiệt để tiêu hao liên tục đội kỵ binh thiện chiến của Quách Quỳ; Trần Quốc Tuấn kéo quân kỵ binh cơ động của quân Nguyên rời khỏi thành Thăng Long để tiêu diệt dọc đường; việc gửi thư cho Liễu Thăng trước khi viện binh Minh vượt biên giới; các trận đánh kéo địch vào trận địa mai phục Chi Lăng, v.v. Và một khi địch có sơ hở bộc lộ chỗ yếu, các nhà quân sự ta biết tập trung lực lượng bất ngờ giáng những đòn mãnh liệt địa tiêu diệt chúng.

Trong điều kiện nước ta là một nước đất không rộng, người không đông mà phải đánh những đạo quân xâm lược lớn mạnh, Tổ tiên ta đã biết huy động toàn dân cùng với lực lượng vũ trang tập trung đánh giặc, tạo nên một sức mạnh to lớn. Mặt khác muốn phát huy tác dụng to lớn của lực lượng vũ trang tập trung thường kém xa địch về số lượng, Tổ tiên ta đã có nghệ thuật biết dùng lực lượng vũ trang đó với một hiệu lực lớn nhất để đánh bại một kẻ địch đông hơn và thiện chiến. Tư tưởng chỉ đạo của nghệ thuật đó được Nguyễn Trãi nêu lên một cách xuất sắc: “Sức dùng một nửa mà công được gấp đôi “.(24)

Chính vì vậy mà nét sáng tạo trong nghệ thuật quân sự dân tộc của ta là không những Tổ tiên ta biết lấy nhiều đánh ít mà còn biết lấy ít đánh nhiều: khi cần thiết thì tập trung quân có số lượng lớn hơn địch để tìm diệt chúng; khi thì biết dùng những đạo quân có chất lượng cao, có sức chiến đấu lớn để tiêu diệt những đạo quân đông hơn của địch trong những thời cơ thuận lợi. Có thể nói rằng những chiến thắng oanh liệt nhất trong những cuộc chiến tranh thắng lợi đều là những trận lấy ít thắng nhiều: Vạn Kiếp, Chúc Động-Tốt Động, Chi Lăng-Xương Giang, Ngọc Hồi-Đống Đa.

Để đạt được yêu cầu đó, Tổ tiên ta đã rất chú trọng đến nhân tố chất lượng trong việc xây dựng lực lượng vũ trang. Nhiều nhà quân sự của ta ngày xưa xem nhân tố chính trị, tinh thần, đoàn kết nhất trí đồng cam cộng khổ cùng với nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài giỏi, sự tinh nhuệ của quân đội, là những nhân tố rất cơ bản quyết định sức mạnh chiến đấu của quân đội. Trần Quốc Tuấn nói: “Binh quý về tinh, không quý về nhiều”(25).

Nguyễn Trãi đã đánh giá như sau về sức mạnh của quân đội nhà Hồ và nghĩa quân Lam Sơn:

“Quân mạnh hay yếu không cứ ở nhiều. Quân của nhà Hồ trăm vạn người trăm vạn lòng, mà quân của tôi bất quá vài mươi vạn, nhưng ai cũng một lòng”(26).

Nguyễn Huệ thì nói: “Còn như quân lính thì cốt hòa thuận không cốt đông, cốt tinh nhuệ không cốt nhiều”.

Trong khi Hồ Quý Ly luôn luôn lo lắng “làm thế nào để có trăm vạn quân thì địch nổi giặc Bắc” mà rút cuộc vẫn bại trận.

Để tăng sức mạnh của lực lượng vũ trang, Tổ tiên ta biết: “Vỗ nuôi sĩ tốt, vời đón hiền giả, thu dụng nhân tài, sửa rèn khí giới, luyện tập binh tượng, dạy bảo những phương pháp ngồi, dậy, tiến, lui, lại hun đúc bằng những điều nhân nghĩa, khiến ai ai cũng hết lòng thành, thân với kẻ trên, chết cho người trưởng”. Cho nên Nguyễn Trãi nói: “Đem quân ấy ra đối phó với địch, thì kẻ nào theo ý hướng ta sẽ sống, kẻ nào trái ý hướng ta sẽ chết”.

Trái lại điều trên, nhà Hồ đặt trọng tâm việc nâng cao sức chiến đấu của quân đội vào đúc súng “thần công” đóng thuyền “cổ lâu’, tức là cải tiến vũ khí.

Thắng lợi của 4 cuộc chiến tranh và thất bại của nhà Hồ, những lời nói của những nhà quân sự đánh thắng và của Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, đã nêu lên khá rõ kinh nghiệm lịch sử của dân tộc ta: vũ khí và số lượng là quan trọng, nhưng quyết định là con người và chất lượng.

Tư tưởng tích cực tiến công, phát huy mọi chỗ mạnh của mình nhằm mọi chỗ yếu của địch mà đánh, tiêu diệt từng bộ phận nhỏ, vừa đến lớn, đã được vận dụng trong thực tế hết sức cơ động, linh hoạt, mưu trí bằng nhiều cách đánh tài tình, sáng tạo, đánh trước mặt và đánh sau lưng, đánh phân tán và đánh tập trung, đánh bằng tiến công quân sự và bằng tiến công binh vận, đánh vào tất cả các mục tiêu, đánh bằng nhiều phép đánh độc đáo.

Những cách đánh thiên biến vạn hóa đó, là những cách đánh vượt ra ngoài cách đánh thông thường của các binh pháp cổ đại. Trên cơ sở của tinh thần anh dũng quả cảm đã sản sinh ra những cách đánh thông minh linh hoạt, phát huy được mọi tài năng, sở trường của ta, mà hạn chế được mọi khả năng, sở trường của địch. Quân kỵ binh Mông Cổ rất cơ động, giỏi đánh ngoài thành luỹ, trên đồng nội, đã từng phát huy đến cao độ sở trường của họ trên nhiều chiến trường. Nhưng, trước những cách đánh mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta thời Trần, đã không thể phát huy được lối đánh sở trường đó, như Nguyên Sử đã thừa nhận, trên đất nước Đại Việt “quân và ngựa Mông Cổ đã không thi thố được tài năng nào”. Quân Minh thông thạo công thành và giữ thành, vẫn không thoát khỏi bị tiêu diệt hết đạo quân này đến đạo quân khác ngoài thành luỹ.

Những trận đánh trên các đường giao thông thủy bộ, đánh vào các căn cứ an toàn, đánh vào các cơ quan đầu não của địch vừa tiêu diệt sinh lực, vừa phá hủy phương tiện chiến tranh (xe, thuyền, vũ khí) và cơ sở vật chất khác (lương thực); những trận hạ thành bằng vây hãm quân sự kết hợp với tiến công binh vận, làm tan rã tổ chức và tinh thần của địch, những phép đánh như đục thuyền, dùng cọc gỗ và lợi dụng thủy triều để phá hủy quân địch, v.v. đều chứng tỏ dân tộc ta đã sáng tạo ra nhiều cách đánh phong phú, độc đáo kết hợp chặt chẽ anh dũng và thông minh, khiến cho quân và dân ta có thể giành và giữ quyền chủ động ở độ cao, đẩy địch lún sâu vào thế bị động chịu đòn. Những cách đánh cơ động mưu trí đó, không những đã không cho địch phát huy được sở trường của chúng mà còn buộc địch phải đánh theo cách đánh có lợi cho ta, phải phục tùng ý chí của quân và dân ta. Do đó, chúng đánh ta thì đánh không trúng, không tiêu diệt nổi quân ta; quân ta đánh thì đánh rất trúng, đánh tiêu diệt chúng. Các cách đánh phản công mãnh liệt của Trần Quốc Tuấn, các cách đánh mai phục bất ngờ của Lê Lợi, cách hành binh thần tốc, táo bạo đánh úp của Nguyễn Huệ là những cách đánh chứng tỏ địch không cách nào đối phó nổi.

Sử thân Ngô Sĩ Liên đã nói như sau về trận đánh của Lý Thường Kiệt: “Hơn mười vạn quân hoành hành đi sâu vào nước người, đánh tan quân 3 châu gần như dễ bẻ cành khô; khi ở đấy thì không ai dám đương đầu, lúc rút về thì không ai dám theo sau”(27). Trong Hoàng Lê nhất thống chí có nêu rõ nhận định của địch đối với nghĩa quân Tây Sơn là ẩn hiện như thần, “tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên”.

Nhờ sự chỉ đạo chiến tranh tài tình, nhờ tư tưởng chiến lược chiến thuật đúng đắn, cộng với chất lượng cao của quân đội và nhiều trường hợp biết dựa vào dân, Tổ tiên ta đã nhiều phen đánh bại, thậm chí hoàn toàn tiêu diệt những đội quân xâm lược về số lượng đông hơn quân đội tập trung của ta, nhiều khi đến mấy lần.

——————————————————–

17. Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, bản dịch, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1960, tr. 30.
18. Lê Duẩn, Thanh niên trong lực lượng vũ trang hãy vươn lên hơn nữa phấn đấu cho lý tưởng cách mạng, đì đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1969, tr. 30.
19. Trần Quốc Tuấn, Binh thưyếu lược.
20. Nguyễn Trãi, Bình ngô đại cáo. Chiến thuật cổ đại thường chia ra, chinh và kỳ: bộ đội đánh theo chính là chính binh, đánh theo kỳ, là kỳ binh: đánh trước mặt địch, đánh dàn trận với địch, đánh theo cách đánh thông thường là đánh theo chính, đánh sau lưng địch, đánh bất ngờ, đánh theo cách đánh đặc biệt là đánh theo kỳ. Phối hợp khéo léo chính và kỳ, thay đổi khéo léo chính và kỳ là một yêu cầu trong chỉ huy quân đội thời xưa.
21, 23. Nguyễn Trãi. Lam Sơn thực lục.
22. Nguyễn Trãi. Quân trung từ mệnh tập, tài liệu đã dẫn, tr. 56.
24. Nguyễn Trãi. Lam Sơn thực lục.
25,26. Nguyễn Trãi. Quân trung từ mệnh tập, tr. 51, 57.
27. Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch. Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1961, tập IV, tr. 195.

——————————————————————————————————–

B – ĐỊCH VẬN

Đi đôi với việc phát huy những chỗ mạnh của mình về mặt quân sự, Tổ tiên ta đã biết phát huy cao độ yếu tố chính nghĩa của cuộc chiến tranh đang tiến hành, để đánh vào kẻ xâm lược phi nghĩa. Tiêu biểu nhất là cuộc chiến tranh đời Lê; Nguyễn Trãi đã đặt vấn đề địch vận lên một vị trí rất cao, tiến hành rất kiên nhẫn và có hệ thống chiến lược “đánh vào lòng người” như đã nêu lên trong “Bình Ngô sách” từ ngày đầu tham gia khởi nghĩa Lam Sơn.

Xuất phát từ tư tưởng “lấy đại nghĩa thắng hung tàn” và nhận rõ tác dụng quyết định của “lòng người” trong chiến tranh, các nhà quân sự thời Lê hiểu rằng, một mặt phải đánh thật mạnh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch thì mới làm địch suy yếu và mau suy sụp về tinh thần; một mặt khác khoét sâu chủ yếu trí mạng về tinh thần của quân đội xâm lược chiến đấu xa nhà, xa nước đứng trước cả một dân tộc đang chống lại. Phối hợp hai mặt tiến công đó, vừa đánh tiêu diệt lực lượng vật chất của địch vừa tiến công vào tinh thần chiến đấu của chúng, Tổ tiên ta dã buộc hàng chục vạn tên địch phải hạ vũ khí xin hàng, làm tan rã về tổ chức và tinh thần cả một quân đội xâm lược lớn mạnh. Trong Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trài tổng kết:

“Bỉ chí cùng nhi lực tận, thúc thủ đãi vong.
Ngã mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất”
(28).

Nghĩa là: địch đã chí cùng lực kiệt bó tay chờ chết, ta tìm cách đánh vào lòng người, không đánh trận mà giặc phải khuất phục. Ở đây nổi bật lên cái ý, dùng chính nghĩa sáng tỏ để đánh địch.

Những văn kiện địch vận của Nguyễn Trài có sức thuyết phục mạnh mẽ nêu bật tính chất chính nghĩa của chiến tranh giải phóng của dân tộc ta và tính chất phi chính nghĩa trong chiến tranh xâm lược của nhà Minh, nêu rõ sức mạnh đoàn kết của quân và dân ta và mâu thuẫn xâu xé nội bộ địch nhằm mục tiêu làm tan rã tinh thần chiến đấu của chúng, đưa chúng đến chỗ hàng phục ta, trong điều kiện bị hãm vào thế nguy khốn về quân sự. Đánh bằng quân sự càng mạnh, quy mô càng lớn, thì đánh bằng binh vận cũng ngày càng mạnh, với quy mô càng lớn.

Với lý lẽ sáng ngời trên cơ sở của sự thật, những văn kiện địch vận đó đã đi sát các đối tượng vận động (quân Minh và quân ngụy), đi sát tình huống chiến lược, chiến thuật ta, vừa nêu lên tinh thần khó khăn, tuyệt vọng, thất bại của địch vừa chỉ ra lối thoát cho chúng, và khẳng định ý chí kiên quyết tiêu diệt địch của quân và dân ta, lại vừa nói rõ chính sách khoan hồng của dân tộc ta đối với tù, hàng binh.

Trong thư gửi Phương Chính, một tướng nhà Minh, Nguyễn Trãi vạch ra như sau: “Nước người nhân dịp nhà Hồ lỗi đạo, mượn tiếng điếu dân phạt tội (ý nói nhà Minh mượn tiếng thương dân sống khổ mà đánh kẻ có tội để cứu dân-T.G), kỳ thực là làm việc bạo tàn, lấn cướp nước ta, bóc lột dân ta, thuế nặng, hình nhiều, vơ vét của quý, dân mọn các làng không được yên sống. Nhân nghĩa lại làm thế ư? Nay ở nước người, dân oán, thần giận, kế tiếp có đại tang, thế mà đã không biết tự xét lỗi mình, lại còn cùng binh độc vũ (ý nói dùng vũ lực, đánh nhau không thôi-T.G), ham thích xâm lược nơi xa, khiến cho sĩ tốt phơi thây, nhân dân lầm bụi”(29).

Rồi ông chỉ rõ cho tướng sĩ nhà Minh:

“Kế của ngài ngày nay không gì bằng cởi giáp nghỉ binh, ngồi nhàn mà nhận hàng, đó là thượng sách. Thế tuy là may cho bọn tôi cùng ngài, mà cũng là may lớn cho vạn dân thiên hạ vậy”(30).

Khi gần 10 vạn quân Minh bị vây khốn trong các thành, tổng binh Minh là Vương Thông chờ mong viện binh, hy vọng được giải vây rồi phản công tiêu diệt nghĩa quân, Nguyễn Trãi đã phân tích như sau:

“Trước đây lòng mưu giả trá, mặt thác giảng hòa, rồi cứ đào hào đắp luỹ, ngồi đợi viện…Hiện nay phương bắc có kẻ địch Thiện Nguyên (một tướng thuộc dòng dõi nhà Nguyên, chiêm giữ miền Bắc Trung Quốc, vẫn đang chống lại nhà Minh-T.G), trong nước có mối lo các xứ Tầm Châu (chỉ khởi nghĩa của nhân dân Trung Quốc ở Quảng Tây chống lại nhà Minh-T.G), một khu Giang Tả (nay thuộc Giang Tô, Trung Quốc-T.G) không tự giữ xong, huống còn mưu toan cướp nước khác ư? Các người không hiểu sự thế bị người đánh thua, 1ại còn chực dựa uy Trương Phụ (lúc đó Vương Thông thường phao tin Trương Phụ là tướng tài đã từng thắng nhà Hồ sẽ sang, định dựa vào oai phong của Trương Phụ để uy hiếp nghĩa quân ta-T.G), thế là đại trượng phu chăng?…Sự thế ngày nay, dẫu cho thượng vị (chỉ vua Minh-T.G) có đem quân đến nữa cũng chỉ chóng chết mà thôi, huống là Trương Phụ tự đến nạp xác thì sao đáng nói…Nay sức hết kế cùng, quân nhọc lính mệt, trong thiếu lương thực ngoài không viện binh, bám hờ khu nhỏ mọn, nghỉ tạm thành chơ vơ, đó không phải là như thịt trên thớt, cá trong nồi ư?”(31)

Cuối cùng ông khái quát như sau: “Nay tính kế các ông, xét có 6 điều phải thua:

– Nước lụt chảy tràn, tường rào đổ lở, lương cỏ thiếu thốn, ngựa chết, quân ốm. Đó là điều phải thua thứ nhất.

– Xưa Đường Thái bắt Kiến Đức mà Thế Sung ra hàng. Nay những nơi quan ải hiểm yếu đều có quân nhà vua đóng giữ, nếu viện binh đến, thì tất cả phải thua; viện binh đã thua, bọn các ông tất bị bắt. Đó là điều phải thua thứ hai.

– Ở nước các ông, quân mạnh ngựa tốt, nay sống cả ở miền Bắc đề phòng trị quân Nguyên không dõi nhìn đến miền Nam. Đó là điều phải thua thứ ba.

– Động dụng can qua, hàng năm đánh dẹp, dân sống không vui, nhao nhao thất vọng. Đó là điều phải thua thứ tư.

– Gian thần chuyên chính, chúa yếu giữ ngôi, xương thịt hại nhau, gia đình thêm biến. Đó là điều phải thua thứ năm.

– Nay ta dấy nghĩa binh, trên dưới cùng lòng, anh hùng hết sức, quân sĩ càng luyện, khí giới cùng tinh, vừa cày ruộng lại vừa đánh giặc; quân sĩ trong thành thì đều mỏi mệt kham khổ, tự chuốc lấy bại vong. Đó là điều phải thua thứ sáu.

Nay giữ cái thành cỏn con để chờ 6 điều thất bại, ta lấy làm tiếc cho các ông lắm. Cổ ngữ có câu: “Nước xa không thể cứu được lửa gần”, giờ viện binh có đền cũng có ích gì cho sự bại vong?”

Đối với tướng sỹ ngụy, Nguyễn Trài khêu gợi tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc: “Người xưa có câu nói: “Quạ đi lại về quê cũ cáo chết quay đầu về núi”, cầm thú còn thế, huống nữa là người? Các người vôn đều là người dân Tây Việt dòng dõi nhà quan. Trước nhân nhà Hồ thất đức, giặc Ngô lăng loàn, các người có người thân bị hãm ở tặc đình, có người thì danh bị buộc ở ngụy chức, đó là thiên không dừng được nào phải do ở bản tâm đâu…Bọn các người nếu biết sửa lòng đổi dạ, bỏ nghịch theo thuận, hoặc ở làm nội ứng hoặc ra để cũng đầu hàng thì không những rửa mối hổ thẹn ngày trước mà cũng được phần soi xét về sau. Ta không nói lời lại ăn lời, nếu các ngươi lại còn tiếc tham ngụy chức, chống cự vương sư thì khi hãm thành tội các ngươi tất nặng hơn giặc Ngô đấy”(32).

Chính sách đối với quân giặc ra hàng cũng đã được quy định rõ:

“Tướng giặc đã hàng mảy may cũng không được xâm phạm. Bất cứ tội to tội nhỏ đều xóa cho hết”(33).

“Quan quân đã hàng, vợ con quyến thuộc cùng là tài vật đều bảo toàn hết cả, không chút thiệt hại”(34).

Đối với tướng sỹ ngụy đã ra hàng:

“Ra ngoài thành cùng ta hòa thân, thì ta sẽ coi các ngươi như tình anh em ruột thịt, chẳng những là bảo đảm tính mạng vợ con mà thôi…”(35)

Còn đối với tướng sĩ nhà Minh thì:

“Nếu muốn rút quân về nước ta sẽ sửa sang cầu cống, chuẩn bị thuyền bè, thủy lục hai đường, tùy theo ý muốn, bảo đảm đưa khỏi ra bờ cõi không phải lo gì”(36).

Việc kết hợp chặt chẽ tác chiến và địch vận đã làm cho Tổ tiên ta phát huy được sức mạnh chính trị của mình, tiết kiệm được xương máu, giành được thắng lợi to lớn trong chiến tranh.

Kết quả là “thành giặc các nơi, mũi nhọn không dính máu mà tự mở”. Hàng vạn quân địch ra hàng, rất nhiều người đã tham gia hàng ngũ nghĩa quân, giúp cho quân đội phát triển nhanh. Hàng vạn quân Minh đã mở cửa thành, dâng thành cho nghĩa quân, có những tướng lĩnh đã đứng hẳn về phía chính nghĩa giúp quân và dân ta trong công tác vận động thuyết phục các tướng lĩnh Minh khác cũng như giúp nghĩa quân tin tức quân sự và cách chế tạo chiến cụ để đánh bại quân Minh.

Ở những thời khác, tuy công tác địch vận chưa được tiến hành một cách đầy đủ như thời Lê, nhưng ít nhiều cũng đã có những tác dụng nhất định trong việc làm tan rã tinh thần chiến đấu của quân xâm lược (thời Lý, Trần và Nguyễn Huệ, v.v.).

Trước Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cũng đã có chủ trương đánh bằng địch vận-nhưng chưa coi trọng như Nguyễn Trãi, chưa thành một vấn đề chiến lược như trong thời Nguyễn Trãi. Trần Hưng Đạo cũng đã biết lợi dụng mâu thuẫn giữa người Hán và người Mông Cổ trong quân Nguyên mà lôi kéo những tướng sỹ người dân tộc Hán trong quân đội nhà Nguyên.

Một vụ điển hình là vụ Triệu Trung: Một tướng người Hán trong quân Nguyên đã ra hàng quân ta và tham gia đạo quân Trần Nhật Duật, đã góp phần đánh tan đoàn quân tiên phong của đạo quân Toa Đô tại trận Hàm Tử năm 1285.

——————————————————

28. Nguyễn Trãi. Quân trung từ mệnh tập, tr. 70.
29. Nguyễn Trãi. Quân trung từ mệnh tập, tr. 22.
30. Nguyễn Trãi.Tài liệu đã dẫn, tr. 20.
31. Nguyễn Trãi. Quân trung từ mệnh tập, tr. 48, 49.
32. Nguyễn Trãi. Quân trung từ mệnh lệnh tập, tr. 4-42.
33, 34. Nguyễn Trãi. Lam Sơn thực lục.
35, 36. Nguyễn Trãi. Quân trung từ mệnh tập, tr. 43, 50.

——————————————————————————————————-

C – ĐẤU TRANH VŨ TRANG VÀ ĐẤU TRANH NGOẠI GIAO

Để dựng nước và giữ nước, để giành và giữ nền độc lập dân tộc, nhìn chung cả quá trình mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân ta trước kẻ thù hung bạo, dùng vũ lực áp đặt ách thống trị, đã không đi chệch con đường đúng đắn duy nhất đã chọn: con đường cầm vũ khí đấu tranh quyết hệt một mất một còn với địch. Chưa đạt tới mục đích độc lập dân tộc, chưa thực hiện quyền làm chủ hoàn toàn đất nước mình thì Tổ tiên ta quyết nắm chắc vũ khí trong tay, quyết đánh quyết thắng. Chính đi theo con đường đó, mà Tổ tiên ta đã sáng tạo một nghệ thuật chỉ đạo đúng đắn, một nghệ thuật biết khởi sự và giỏi tiến hành chiến tranh đồng thời biết kết thúc chiến tranh và giữ vững thắng lợi của chiến tranh đó một cách có lợi nhất cho đất nước, dân tộc, một khi mà các mục tiêu cơ bản của chiến tranh đã đạt được. Đó là nghệ thuật giành, giữ vững, củng cố quyền làm chủ đất nước của một dân tộc kiên cường bất khuất, người không đông, quân đội không nhiều, đất nước không rộng, mà phải chiến thắng những quân đội xâm lược của một nước phong kiến lớn mạnh.

1. Trong các cuộc chiến tranh, dân tộc ta đã kiên quyết đánh những đòn rất mạnh, tiêu diệt những lực lượng rất quan trọng của địch, thậm chí nhiều khi tiêu diệt toàn bộ đoàn quân xâm lược trên đất nước ta, đánh bại ý chí xâm lược của chúng, do đó mà quét sạch quân địch khỏi bờ cõi, giành lấy độc lập dân tộc.

Thường xuyên đương đầu với một nước phong kiến lớn mạnh xâm lược, Tổ tiên ta đã chiến đấu rất quyết liệt, đánh bại ý chí xâm lược của chúng bằng cách liên tục và triệt để tiêu diệt địch trên đất nước ta, khiến cho kẻ địch lớn mạnh phải chịu khuất phục, tuy còn khả năng nhưng ý chí xâm lược đã tan rã khiến chúng không những bọn quan quân, tướng sĩ đã từng tiến vào nước ta khiếp vía, run sợ, mà ngay cả bọn cầm đầu triều đình ở chính quốc cũng phải chịu thua.

Hai lần quân Tống xâm lược là hai lần quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt đánh cho chúng không còn chỗ đứng chân trên đất nước ta; chỉ đến mức đó thì nhà Tống mới chịu thua hẳn. Ba lần quân và dân ta thời Trần đã tiêu diệt trên dưới chín mươi vạn quân Nguyên thì đế quốc Đại Nguyên mới chịu “bãi binh”. Phải sau 10 năm đọ sức quyết liệt với nhà Minh, tiêu diệt và làm tan rã trên nửa triệu quân Minh, vua Minh mới buộc phải ra lệnh “rút quân về nước”. Nguyễn Huệ chỉ có tiêu diệt trong một trận thần tốc hai mươi vạn quân Thanh, mới khiến cho triều đình Thanh vứt bỏ mộng tưởng thống trị nước ta.

Để đạt tới mục tiêu quét sạch địch ra khỏi nước ta, đập tan ý chí xâm lược của chúng, Tổ tiên ta tùy hoàn cảnh cụ thể đã dùng hai cách: hoặc là tiêu diệt toàn bộ quân địch, thu hồi toàn bộ đất đai của ta (Trần, Nguyễn Huệ); hoặc là trong những điều kiện nhất định, tiêu diệt đại bộ phận, đặc biệt là tiêu diệt những đạo quân chủ lực tinh nhuệ nhất, xương sống của đoàn quân xâm lược, đặt bộ phận còn lại vào nguy cơ bị tiêu diệt, rồi hạ tối hậu thư cho chúng phải nhanh chóng lui quân (Lý, Lê); địch rút đến đâu ta tiến đến đó (Lý, Lê); đối với bọn ngoan cố chống cự lại thì quyết tiêu diệt, cho đến khi thu hồi toàn bộ đất đai (Lý).

“Chúng đã sợ chết xin hòa, thực thà cầu sống;
Ta muốn toàn quân làm cốt, ngơi nghỉ dừng chân.”

Điều đáng chú ý là, khi cho phép một bộ phận địch còn lại rút khỏi nước ta, Tổ tiên ta không những nhằm mục tiêu trước mắt của cuộc chiến tranh đang tiến hành, mà còn nhằm vào lợi ích lâu dài của dân tộc, như Nguyễn Trãi đã viết:

“Thần vũ không giết, đức lớn hiếu sinh. Nghĩ đến kế lâu dài của nước nhà, tha ngay 10 vạn hàng binh”.

2. Tổ tiên ta đã biết khéo léo kết hợp đấu tranh vũ trang rất kiên quyết với đấu tranh ngoại giao rất mềm dẻo sau khi đã giành được thắng lợi to lớn quyết định trên chiến trường, sau khi quân địch bị thất bại nặng nề mà thực chịu thua, nhằm củng cố và mở rộng thành quả đấu tranh.

Trong những cuộc chiến tranh thắng lợi, vấn đề “đánh” và “đàm” đã được Tổ tiên ta nhận thức một cách đúng đắn và giải quyết một cách đúng đắn và sáng tạo. Luôn sẵn sàng đánh, đánh đến thắng lợi hoàn toàn, đánh hết trận này, đánh xong với kẻ thù này là chuẩn bị đánh trận khác, đánh kẻ thù khác nếu chúng dám xâm lược. Đó là quan điểm chiến lược nhất quán của dân tộc ta. Mặt khác Tổ tiên ta cũng tỏ ra mình hiểu người, biết dùng biện pháp đàm phán kết hợp được tính cứng rắn về nguyên tắc và tính mềm dẻo về sách lược để củng cố và mở rộng thành quả của đấu tranh vũ trang.

Có đánh có đàm, trên cơ sở đánh thắng oanh liệt mà chủ động đẩy mạnh hoạt động ngoại giao khôn khéo, điều đó đã được thể hiện trong những cuộc chiến đấu nói trên. Kinh nghiệm lịch sử của Tổ tiên chứng tỏ phải có những chiến thắng oanh liệt, những trận đánh tiêu diệt lớn thật vang dội, cổ vũ đến cao độ nhiệt tình yêu nước của nhân dân ta, nâng cao tin tưởng thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta khiến toàn quân toàn dân dốc sức đánh bại hoàn toàn quân địch, mà địch thì suy sụp tinh thần chiến đấu, không thể không chịu thua trước thảm họa quân sự của chúng, đó là thời cơ có lợi để Tổ tiên ta tiến hành ngoại giao với địch. Tuỳ theo so sánh lực lượng giữa ta và địch trong từng triều đại, Tổ tiên ta đã biết áp dụng hai cách vừa đánh vừa đàm và đánh thắng rồi đàm.

Sau chiến thắng của trận phản công trên sông Cầu tiêu diệt phần lớn chủ lực tinh nhuệ của quân Tống, tuy quân địch còn trên đất nước ta, Lý Thường Kiệt đã chủ động phái người sang gặp tướng chỉ huy quân xâm lược để đặt điều kiện lập lại hòa bình giữa hai nước: Quân Tống rút lui toàn bộ đất nước ta. Quách Quỳ, tướng chỉ huy quân Tống, lúc đó chỉ có thể chọn một trong hai con đường: hoặc tiếp tục đánh thì nhất định bị tiêu diệt hoàn toàn, hoặc nhận điều kiện rút quân thì bảo tồn được bộ phận sinh lực còn lại, giữ được tính mạng của bản thân. Trong điều kiện nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn là rõ ràng, khẩn cấp, Quách Quỳ đã chọn con đường thứ hai, lập tức rút quân, ngay trước khi triều đình Tống ra lệnh bãi binh. Thời Lê, trong mười năm chiến tranh giải phóng, đã có nhiều lần vừa đánh vừa đàm như vậy. Như sau lần đánh bại cuộc tiến công càn quét của 10 vạn quân Minh ở vùng huyện Khôi nhằm tranh thủ thời gian để củng cố lực lượng chuẩn bị tiếp tục đánh, hai bên đã đàm phán đi tới tạm hòa hoãn trong hai năm. Sau chiến thắng vang dội Chi Lăng-Xương Giang, đập tan cố gắng cao nhất cuối cùng của nhà Minh, Lê Lợi-Nguyễn Trãi lại tiếp tục đàm phán với Vương Thông, buộc 10 vạn quân địch còn lại phải đầu hàng và được phép rút quân về nước, trước khi vua Minh có lệnh bãi binh.

Còn thời Trần, thời Nguyễn Huệ, chỉ sau khi đã giành thắng lợi hoàn toàn bằng những chiến công hiển hách, tiêu diệt gần hoàn toàn quân xâm lược, nhà Trần và Nguyễn Huệ mới chủ động tiến hành hoạt động ngoại giao với các triều đình Nguyên và Thanh.

Như trên đã nêu, dù vừa đánh vừa đàm, hay là đánh rồi đàm, Tổ tiên ta tỏ ra nắm vững quan hệ giữa giành thắng lợi quyết định trên chiến trường nước ta và củng cố, mở rộng thắng lợi đó bằng hoạt động ngoại giao. Đó là biểu hiện của sự kết hợp đúng đắn giữa ý chí kiên cường bất khuất và nhãn quan trông xa thấy rộng có lòng căm thù sâu sắc quân địch, lại biết đánh giá đúng sức mình, sức người. Nhà sử học Phan Huy Chú đã bình luận như sau mối quan hệ giữa chiến thắng quyết định và hoạt động ngoại giao thời Lý:

“Việc biên giới ở đời Lý được trả lại đất rất nhiều.

Bởi vì, trước thì có oai thắng trận, người trung châu (ý chỉ đoàn quân Tống xâm lược nước ta-T.G) hoảng sợ, đủ làm cho nhà Tống phải phục, sau thì sứ thần bàn bạc, lời lẽ thung dung càng thêm khéo léo. Cho nên cần gì được nấy, làm cho lời tranh biện của người phương Bắc phải khuất, mà thế lực của Nam Giao được mạnh. Xem đó cũng có thể biệt qua thế cường thịnh của thời bấy giờ”(37)(chúng tôi nhấn mạnh-T.G).

Cho nên biện pháp ngoại giao không phải được thực hiện với tinh thần sợ hãi quân địch lớn mạnh hơn mình, mà với thế của kẻ chiến thắng, của một nước đã đánh bại quân thù xâm lược.

Tinh thần trên thể hiện rõ trong lời Nguyễn Trãi nói với Lê Lợi và các tướng lĩnh của nghĩa quân sau khi tiêu diệt viện binh địch tại Chi Lăng-Xương Giang: “Tình hình quân giặc trong lúc này, mình phá vào sào huyệt ăn gan uống máu để rửa mối thù sâu không phải là một sự khó khăn. Nhưng thần trộm e, như vậy sẽ kết mối thù với triều Minh quá sâu. Vì sự trả thù, vì sự vớt lấy thể diện của một nước lớn, Minh chúa tất lại phái binh sang, như thế cái vạ binh đao biết đến bao giờ cho dứt được. Chi bằng ta nên thừa lúc này, kẻ thù lâm vào thế cùng mà cùng họ hòa hiếu để tạo phúc cho cả sinh linh hai nước”(38).

Với nội dung bảo đảm giành độc lập hoàn toàn của dân tộc, hoạt động ngoại giao đó đã được tiến hành dưới nhiều hình thức nhằm buộc địch chịu thua mà không “mất mặt”, như tạo điều kiện cho quân bại trận rút về, chịu phong vương, nhận triều cống, nhận trao trả tù binh, v.v. để đặt lại quan hệ bình thường giữa hai nước.

Trên cơ sở của cái “oai thắng trận”, cuộc đấu tranh về mặt ngoại giao giữa ta và địch vẫn không kém phần gay go quyết liệt có lúc rất căng thẳng. Như nhà Trần đã kiên quyết bác bỏ toàn bộ 6 điều của nhà Nguyên, tuy rằng trong cuộc đấu tranh ngoại giao đó, phía bên Nguyên đã rút lui từng bước rút bỏ một số điều kiện, cho đến lúc cuồl cùng phải bỏ hẳn các điều kiện xâm phạm chủ quyền nước ta.

Trong nhiều trường hợp (thời Lý – Tây Sơn) cuộc đấu tranh ngoại giao mang tính chất một cuộc tiến công tích cực để khuếch trương chiến quả của đấu tranh vũ trang, tiêu biểu là cuộc đấu tranh thời Lý buộc Tống thừa nhận Đại Việt là một nước riêng biệt, chứ không phải làm một quận, cũng không phải là một chư hầu của Tống; thừa nhận vua nước Đại Việt là quốc vương chứ không phải là “Giao Chỉ quận vương”.

Điều đáng chú ý là Tổ tiên ta không hề có ảo tưởng đối với “thiện chí” của quân xâm lược, chưa triệt để đánh bại chúng thì chưa có thể có độc lập dân tộc. Sau năm năm chiến tranh, Lê Lợi, tạm hòa hoãn với quân Minh chỉ là để chuẩn bị tiếp tục chiến đấu quyết liệt hơn. Đến năm thứ mười của cuộc chiến tranh, khi 8 vạn quân của Thôi Tụ, Hoàng Phúc bị quân ta vây hãm ở Xương Giang có ý trá hàng, Lê Lợi-Nguyễn Trãi đã không chấp nhận mà kiên quyết tiêu diệt chúng toàn bộ. Có như vậy mới có điều kiện buộc quân Vương Thông ở Đông Quan phải thực sự đầu hàng. Các triều đại chỉ đặt quan hệ bình thường với quân địch sau khi đã hoàn toàn đánh bại các cuộc xâm lược của chúng.

———————————————–

37. Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Bang giao chí, bản dịch, tập IV, tr. 196.
38. Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn trích dẫn trong Khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào giải phóng đất nước vào đầu thế kỷ XV. Nhà xuất bản Khoa học, Hà Nội, 1969, tr. 240. ——————————————————————————————————-

NHỮNG KINH NGHIỆM VỀ NGHỆ THUẬT CHỈ ĐẠO CHIẾN TRANH

Trong chiến tranh, đường lối chính trị và quân sự là rất cơ bản; nó quyết định việc chỉ đạo chiến tranh và giành thắng lợi trong chiến tranh.

Để thực hiện đường lối, chủ trương chiến tranh, cần có sự chỉ đạo cụ thể về phương pháp và các cách thức để tiến hành chiến tranh. Đó là sự chỉ đạo về nguyên tắc thực hành chiến lược.

Trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta, sự chỉ đạo về nguyên tắc chiến lược-những vấn đề cụ thể về chiến lược-có rất nhiều cái hay và rất phong phú. Đi sâu, nghiên cứu để tổng hợp, phân tích các loại kinh nghiệm vô cùng phong phú, quý báu của lịch sử chiến tranh là một điều cần thiết.

1. VẤN ĐỀ TIẾN CÔNG VÀ PHẢN CÔNG

Tiến công và phản công là vấn đề chủ chốt trong chiến tranh. Vì chỉ có tiến công và phản công mới giành được thắng lợi trong chiến tranh. Nhưng tiến công chiến lược và phản công chiến lược như thế nào? Yêu cầu phải đạt được những gì? Lúc nào, thời cơ nào thì thực hành tiến công và phản công chiến lược? Tiến công và phản công chiến lược lần lượt trên từng hướng chiến lược hay đồng thời trên toàn tuyến? Đó là một nghệ thuật trong chỉ đạo chiến tranh.

Nghiên cứu vấn đề này, cần nắm vững một điểm cơ bản có tính chất bản chất là sự so sánh lực lượng và so sánh về thế và lực của hai bên. Trên cơ sở đó mà nghiên cứu các điều kiện cụ thể của mỗi cuộc chiến tranh mà vận dụng cho thích hợp.

Bộ chỉ huy chiến tranh phải căn cứ vào tình hình so sánh lực lượng, vào thế và lực giữa hai bên địch, ta trên chiến trường và của cả hai quốc gia mà quyết định một cách linh hoạt và sáng tạo.

Lý Thường Kiệt có thể phản công ngay lập tức ở trên hướng tiến công chủ yếu của địch, đánh ngay vào đạo quân chủ yếu của địch đang thực hành tiến công, là do tình hình so sánh lực lượng giữa hai bên, là do thế và lực giữa hai bên không chênh lệch nhau. Ngoài vấn đề thế và lực ra thì trình độ tác chiến của quân đội và nghệ thuật chỉ đạo của bộ chỉ huy cũng rất quan trọng. Đó là tính năng động chủ quan trong lãnh đạo, chỉ huy và hành động của cán bộ chỉ huy và của chiến sĩ. Quân đội nhà Lý là một quân đội thiện chiến, đã được rèn luyện trong chiến tranh nhiều năm và thường đánh thắng trận. Lý Thường Kiệt lại là một nhà chỉ huy thao lược có ý chí, có quyết tâm và có tài.

Về nhân dân và tình hình xã hội thì được phát triển và vững mạnh trong một nước độc lập; nhân dân hăng hái, đoàn kết, quyết tâm đánh giặc, giữ nước.

Trong khi đó, bên nhà Tống thì đang có nguy cơ bị xâm lược ở phía bắc. Trước và sau khi quân Tống đánh nước ta thì các nước Liêu, Hạ, Kim đều có đánh Tống (1004 Liêu đánh Tống, 1038 Tây Hạ đánh Tống, 1125 Kim đánh Tống). Về nội bộ thì triều đình nhà Tống có nhiều mâu thuẫn, chém giết lẫn nhau giữa phái Vương An Thạch và Lã Huệ Khanh: nền chính trị hủ bại suy đồi, nhân dân có nhiều oán ghét.

Trần Hưng Đạo khi phân tích tình hình thời đại đó cũng đã nói là lúc này nhà Lý có thế lực mạnh (Trần Quốc Tuấn trả lời nhà vua khi bị ốm).

Do sự so sánh lực lượng cụ thể giữa hai bên ở trên chiến trường, và tình hình chính trị, kinh tế, quân sự của hai quốc gia cộng với trình độ tác chiến của hai quân đội, sự chỉ huy của hai bộ chỉ huy mà xem xét điều kiện và thời cơ phản công.

Lý Thường Kiệt thực hành phản công sớm và thành công, nhanh chóng giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh trong vài ba tháng là do đã có những điều kiện cụ thể, những nhân tố thắng lợi nhanh của cuộc chiến tranh đó.

Đến thời đại Trần Hưng Đạo, việc thực hành phản công chiến lược có khác với Lý Thường Kiệt. Đó là do điều kiện của cuộc chiến tranh của thời nhà Trần có khác với thời nhà Lý.

Một điều kiện giống nhau là nhà Lý và nhà Trần đều đã là một nhà nước độc lập, có nhân dân đoàn kết quyết tâm đánh giặc giữ nước. Nền kinh tế đã được tổ chức và phát triển. Nền chính trị cũng được tương đối ổn định. Quân đội đã được tổ chức, được huấn luyện tinh nhuệ, đã thành một quân đội chính quy của một nhà nước. Điều kiện khác nhau là đối tượng chiến tranh không giống nhau. Quân nhà Nguyên mạnh hơn quân nhà Tống.

Trước một quân địch mạnh như thế, Trần Hưng Đạo đã không thể phản công nhanh và sớm như Lý Thường Kiệt được. Ông phải rút lui từng bước, xoay chuyển thế trận, nhử địch vào sâu, phân tán quân địch, làm cho địch bị tiêu hao, mệt mỏi, tạo điều kiện để tiêu diệt từng bộ phận quân địch, dần dần thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta, tạo ra thế lợi thế mạnh cho ta, đưa địch vào thế bất lợi, thế yếu, rồi mới thực hành phản công, tiến hành tiêu diệt chiến lược và quyết chiến chiến lược đi đến giành thắng lợi quyết định và thắng lợi hoàn toàn. Trần Hưng Đạo đã đề ra phương châm lấy “ngắn trị dài”, “lấy nhàn trị nhọc”.

Trần Hưng Đạo phản công chậm hơn Lý Thường Kiệt mấy tháng, nhìn chung thì cũng là nhanh. Lý Thường Kiệt phản công và giành thắng lợi trong vài tháng. Trần Hưng Đạo phản công và giành thắng lợi trong 6-7 tháng.

Đến Quang Trung thì cuộc phản công lại sớm hơn và giành thắng lợi nhanh hơn. Khoảng 2 tháng, Quang Trung đã giành được thắng lợi hoàn toàn và triệt để. Cuộc phản công chính vào Thăng Long giành thắng lợi quyết định thì chỉ khoảng một tuần lễ.

So sánh tình hình và lực lượng hai bên thì quân của Quang Trung là một đội quân mạnh, rất tinh nhuệ, đã đánh trăm trận trăm thắng, trình độ đánh công thành giỏi, nghệ thuật đột phá chiến dịch và bao vây vu hồi chiến dịch cao. Nhân dân đoàn kết, quyết tâm, được rèn luyện và có kinh nghiệm, truyền thống đấu tranh vũ trang.

Về quân nhà Thanh là một đội quân xâm lược, tinh thần kém và các mặt đều kém hơn đạo quân chủ lực của Quang Trung. Về triều đình nhà Thanh thì ngày càng suy yếu. Đối ngoại thì có nhiều cuộc xung đột, chiến tranh với các nước láng giềng. Trong nước thì nhân dân có nhiều bất mãn. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên. Từ đời Càn Long thứ 35 đến đời Quang Tự thứ 14 (1721-1888) có tới hàng vài chục cuộc khởi nghĩa.

Trong điều kiện nhà nước và quân đội của hai bên như thế nên Quang Trung đã thực hành phản công sớm và giành thắng lợi nhanh chóng.

Trong lịch sử chiến tranh nước ta thì đây là một cuộc phản công mạnh nhất, nhanh nhất, giành thắng lợi nhanh nhất và rất oanh liệt.

Bên cạnh những cuộc phản công sớm và giành thắng lợi nhanh thì trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta cũng có những cuộc phản công chậm, kéo dài. Đó cũng là do so sánh lực lượng, so sánh thế và lực.

Năm 544 Lý Bôn khởi nghĩa vũ trang thành công, năm 545 nhà Lương lại phái Dương Phiên đem quân sang xâm lược. Lý Bôn và Triệu Quang Phục rút lên núi và về vùng nông thôn đồng bằng để đánh du kích tiếp tục duy trì cuộc kháng chiến. Triệu Quang Phục tiến hành đánh du kích trong vài năm, rồi dần dần phát triển lên đánh tập trung và tới năm 548 (trong 3 năm: 545 đến 548) mới thực hành phản công chiếm lại Long Biên, giải phóng được đất nước.

Cuộc chiến tranh du kích lâu dài của Lê Lợi phải mấy năm sau mới tiến hành phản công cục bộ và cho tới năm 1426, tức là 8 năm sau, mới thực hành phản công chiến lược quyết định, và một năm sau, tức 1427 thì giành được thắng lợi hoàn toàn. Trong phản công và tấn công, Lê Lợi không những chỉ phản công và tiến công bằng quân sự, bằng quân chủ lực và quân du kích, mà Lê Lợi còn phản công và tiến công bằng binh vận địch vận.

Trong thời kỳ thực hành phản công chiến lược cục bộ từ Nghệ An, hai đòn phản công quân sự và địch vận đã hỗ trợ nhau và đã thu được thắng lợi. Tướng giặc ở Trà Long (Nghệ An) đã hàng nghĩa quân Lam Sơn.

Đến thời kỳ tổng phản công, đại quân của Lê lợi đánh ra ngoài Bắc-đánh vào trận địa chủ yếu, trận địa cuồl cùng của địch ở vùng xung quanh Đông Đô-thì đòn tiến công địch vận vẫn đi sát đòn tiến công quân sự-hai đòn hỗ trợ nhau, và phát huy thắng lợi tốt.

Tổng tư lệnh quân địch là Vương Thông cùng 5 vạn quân đã hàng ở Đông Đô (Hà Nội) và các thành luỹ khác cũng đầu hàng hàng loạt.

Trên đây là những cuộc phản công và tiến công có nhiều vẻ khác nhau và đều thành công. Trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta cũng có cuộc chiến tranh vì phản công quá sớm, đánh tập trung quyết chiến quá sớm nên không thành công.

Sau khi Hai Bà Trưng lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang thành công chưa được bao lâu thì lại phải chống lại một cuộc chiến tranh xâm lược mới của nhà Hán do Mã Viện chỉ huy.

Nước ta mới được độc lập, quân đội chưa được tổ chức huấn luyện thành một quân đội mạnh, tinh nhuệ. Trong tình hình đó, đánh tập trung, phản công, quyết chiến ngay là chưa phù hợp. Đó là nguyên nhân làm cho cuộc kháng chiến không thành công.

Trước sự so sánh lực lượng như thế, dân tộc ta đã có cách đánh thích hợp và giành được thắng lợi. Lý Bôn, Triệu Quang Phục đã biết đánh du kích, phân tán địch, tiêu hao, tiêu diệt nhỏ quân địch, giữ gìn, bồi dưỡng, phát triển lực lượng của ta từng bước, dần dần làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta, tạo ra thế mạnh, tạo ra thời cơ, điều kiện để tiến lên đánh tập trung rồi thực hành phản công, đạt được tiêu diệt chiến lược, giành thắng lợi quyết định về chiến lược và tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thực hành đánh du kích rồi tiến lên đánh tập trung, rồi thực hành phản công cục bộ, từng bước, từ Biên giới đến Điện Biên Phủ và cuối cùng giành được thắng lợi, giải phóng một nửa đất nước. Những cuộc phản công này nằm trong tình hình của một cuộc chiến tranh nhân dân phát triển trong cả nước. Nó được sự hỗ trợ đắc lực của các hướng tiến công và phản công khác trong cả nước của một cuộc chiến tranh nhân dân. Vì thế mà sức mạnh của các cuộc phản công đã được tăng lên gấp bội. Quân địch bị cuộc chiến tranh nhân dân bao vây chia cắt trong cả nước, nên bị suy yếu và căng mỏng. Do đó mà không tập trung được sức mạnh để đối phó có hiệu quả.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là một cuộc chiến tranh chính nghĩa vĩ đại nhất, phát triển cao nhất và phong phú nhất trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc ta. Trong một xã hội hiện đại, phát triển cao như ngày nay thì cuộc chiến tranh có rất nhiều yếu tố phức tạp và rất phong phú. Sự vận động của chiến tranh không đơn giản như trước kia. Sự so sánh lực lượng, so sánh thế và lực giữa hai bên cũng nhiều cái phức tạp; phải tính đến nhiều yếu tố. Do đó mà nghệ thuật phản công và tiến công của lực lượng vũ trang nhân dân ta có những sự phát triển mới rất phong phú và sáng tạo trong một cuộc chiến tranh nhân dân cách mạng phát triển rất cao. Ta tiến hành đồng thời đánh du kích và đánh tập trung, đánh địch cả ở các vùng và các tuyến, tiến hành phản công và tiến công liên tục, ở các quy mô nhỏ, vừa và lớn, trên nhiều hướng khác nhau, và đồng loạt, đều khắp trên toàn tuyến cả quân sự và chính trị; kết hợp giữa phản công, tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng ở chiến trường với sự phản công, tiến công chính trị của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược, chống bọn cầm quyền hiếu chiến.

Trên đây là sự vận động và phát triển của nghệ thuật phản công và tiến công trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta.

Dân tộc ta đã có một nghệ thuật phản công và tiến công phát triển muôn màu muôn vẻ, tài giỏi và thắng lợi. Sự muôn màu muôn vẻ đó, chứng tỏ Tổ tiên ta đã biết căn cứ vào điều kiện cụ thể của mỗi cuộc chiến tranh mà vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo. Điều này cũng chứng minh một khía cạnh trong tư tưởng biện chứng của Nguyễn Trãi là “điều kiện tồn tại và vận động của sự thật”. Sự vật không ra đời một cách ngẫu nhiên mà phải có điều kiện cụ thể mới xuất hiện được. Cũng cùng một sự vật, ở không gian, thời gian này nó xuất hiện một cách khác; ở một không gian, thời gian khác thì nó lại xuất hiện một cách khác. Cho nên việc chỉ đạo chiến tranh phải rất linh hoạt và sáng tạo; không có thể rập khuôn máy móc.

Mục đích của phản công và tiến công chiến lược là đánh những đòn tiêu diệt lớn, tiêu diệt chiến dịch và chiến lược, có ý nghĩa về chiến dịch và chiến lược, làm thay đổi sự so sánh lực lượng, thay đổi thế và lực trên chiến trường, làm thay đổi tình thế, tạo ra sự chuyển biến cục diện, tạo ra bước phát triển mới trong chiến tranh, tạo ra những bước ngoặt trong chiến tranh, tạo ra bước ngoặt quyết định, bước phát triển nhảy vọt, giành thắng lợi quyết định và thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược nhà Nguyên lần thứ 2 năm 1285, đòn phản công thứ nhất của Trần Hưng Đạo tiêu diệt và đánh tan đạo quân của Toa Đô, phá vỡ một thế trận, một cánh ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ của quân xâm lược nhà Nguyên, làm cho Thoát Hoan bị cô lập ở Thăng Long, lực lượng quân xâm lược bị suy yếu, thế trận không dựa được vào nhau, tinh thần và ý chí bị lung lay. Cuộc phản công đó thắng lợi đã phát triển thế chủ động của quân ta, động viên tinh thần, ý chí của quân dân ta, mở rộng địa bàn chiến lược của quân ta, tạo ra thế đứng có lợi để bao vây Thăng Long. Cuộc phản công đó đã tạo ra sự chuyển biến cục diện, tạo ra điều kiện thuận lợi để thực hành cuộc phản công thứ 2.

Cuộc phản công thứ 2 tức cũng là một đòn tiến công chiến lược tiêu diệt đạo quân Thoát Hoan, tập đoàn chiến lược chủ yếu của địch ở giữa Thăng Long và Chương Dương, là một đòn tiêu diệt chiến lược quyết định, giành thắng lợi quyết định rồi tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Về hướng tiến hành phản công và đối tượng, mục tiêu tác chiến, Trần Hưng Đạo đã chọn hướng địch sơ hở, chọn đạo quân yếu ở ngoài thành quách mà đánh trước. Những yếu tố trên có thể bảo đảm cho việc chắc thắng. Đạt được thắng lợi bước đầu rồi, tạo được thế lợi rồi thì có thể tiếp tục tiến đánh các đạo quân mạnh hơn, lớn hơn ở những địa bàn chiến lược quan trọng hơn.

Trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược nhà Minh, Lê Lợi-Nguyễn Trãi đã thực hành tiến công và phản công từ nhỏ đến lớn, từ tiêu diệt chiến thuật, chiến dịch đến tiêu diệt chiến lược, rồi đến tiêu diệt chiến lược quyết định. Đó cũng là quy luật chung của một cuộc chiến tranh du kích, phát triển từ nhỏ đến lớn, từ đánh du kích tiến lên đánh tập trung. Thời kỳ phản công có ý nghĩa là sau khi đã di chuyển đội quân chủ yếu vào Nghệ An (1424), lập căn cứ địa mới ở đó. Nghĩa quân Lam Sơn đã chọn chỗ địch yếu, sơ hở, cô lập; về phía ta thì có nhân dân vững mạnh làm chỗ dựa vững chắc để thực hành những trận phản công có ý nghĩa chiến lược để giành thắng lợi bước đầu làm cơ sở tốt cho các bước phát triển sau.

Phân tích đúng tình hình địch, ta trong so sánh lực lượng, so sánh thời và thế nên sau khoảng một năm mở những cuộc phản công và tiến công liên tiếp, nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi lớn, toàn diện, giải phóng được Tân Bình (Quảng Bình), Thuận Hóa và đẩy quân địch ở khu vực Nghệ An chuyển hoàn toàn vào thế phòng ngự, co hẹp địa bàn chiếm đóng của địch vào một vùng đồng bằng nhỏ bé. Vùng căn cứ của ta được mở rộng từ Thuận Hóa ra tới Thanh Hóa, lực lượng vũ trang được phát triển nhanh chóng. Đó là những thắng lợi chiến lược rất quan trọng, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, tạo ra điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân tiến ra Bắc.

Sau khi tiến ra Bắc, đòn phản công đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng về chiến lược là trận tiêu diệt chiến lược trong chiến dịch Chúc Động-Tốt Động 1426. Trận này nghĩa quân đã tiêu diệt 5 vạn quân trong đạo quân 10 vạn của Vương Thông chiếm đóng khu vực Đông Đô (Hà Nội) và lân cận, đánh qụy tập đoàn chiến lược chủ yếu của quân xâm lược, buộc địch chuyển sang phòng ngự hoàn toàn về chiến lược trong cả nước, tạo điều kiện cho nghĩa quân tiến lên đánh một đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng đất nước.

Sau thắng lợi chiến dịch Chúc Động-Tốt Động, bộ chỉ huy nghĩa quân thấy rằng thế và lực giữa ta và địch đã có sự chuyển biến về căn bản, quân địch đã suy yếu hẳn. Chủ lực của địch không thể chọi được với chủ lực của ta ở cả ngay hướng chúng còn tương đối mạnh. Còn về quân ta thì đã trưởng thành nhanh chóng, đã lớn mạnh về các mặt, đã là một đội quân thiện chiến. Căn cứ vào tình hình trên, bộ chỉ huy nghĩa quân thấy đã có thời cơ và điều kiện để đánh những đòn quyết chiến chiến lược quyết định.

Thời kỳ giành thắng lợi cuối cùng đã mở ra: Quân ta có thể giao chiến được với đội quân chủ lực của địch và có thể tiêu diệt được đội quân đó. Những nhận định và chủ trương này dẫn tới cuộc quyết chiến chiến lược, tiêu diệt đạo quân cứu viện chủ yếu của quân xâm lược nhà Minh do Liễu Thăng chỉ huy ở Chi Lăng và Xương Giang (Bắc Giang), giành được thắng lợi hoàn toàn cho cuộc chiến tranh giải phóng.

Trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược nhà Tống và nhà Thanh, Lý Thường Kiệt và Quang Trung lại thực hành phản công vào hướng tiến công chủ yếu của địch, đánh vào ngay đạo quân mạnh nhất của địch, tiêu diệt được đạo quân đó và giành được thắng lợi chiến lược quyết định một cách nhanh chóng. Đó cũng là do sự so sánh lực lượng, so sánh về thế và lực giữa hai bên, so sánh về trình độ tác chiến của quân đội và tài chỉ huy của hai bên.

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp của nhân dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh, dựa theo quy luật chung của một cuộc chiến tranh giải phóng phát triển từ đánh du kích tiến lên đánh tập trung, quân đội ta cũng thực hành phản công cục bộ, bắt đầu ở những hướng quân địch yếu, cô lập trước, sau mới đến chỗ quân địch tương đối mạnh và mạnh.

Cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Mỹ có nhiều điểm khác với tất cả các cuộc chiến tranh chống xâm lược trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc ta trước đây. Những điểm khác đó là những điều kiện về nhân dân, về quân đội, về Nhà nước, về xã hội, về Đảng lãnh đạo, về tình hình chính trị, kinh tế, quân sự, về tình hình trong nước ta, trên thế giới và trong nước Mỹ, điều kiện về thời đại, v.v.

Trên cơ sở những yếu tố đó, mà nghệ thuật tiến công và phản công của lực lượng vũ trang nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược phát triển rất phong phú, sáng tạo, muôn màu, muôn vẻ trong một cuộc chiến tranh nhân dân cách mạng phát triển cao, độc đáo của Việt Nam, có nhiều cái mới trong thời đại ngày nay. Ta có thể phản công và tiến công ở các hướng khác nhau, đánh với tất cả mọi đối tượng, mục tiêu, cả quân Mỹ và quân ngụy, cả với những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân Mỹ, đánh cả ở nông thôn và thành thị, đánh ở các hướng khác nhau và có thể đồng loạt trên nhiều hướng, có thể phản công và tiến công ngay từ đầu cuộc chiến tranh và ngày càng phát triển mạnh trong các giai đoạn sau: phản công và tiến công bằng cả quân sự, chính trị, binh vận, địch vận, ngoại giao và hoạt động quốc tế.

Qua những thực tế chiến tranh trên đây, vấn đề chọn hướng, mục tiêu, đối tượng phản công và tiến công cũng có rất nhiều hình vẻ, rất phong phú linh hoạt.

Đây lại là vấn đề “điều kiện tồn tại và vận động của sự vật”.

Tuy một sự vật có nhiều hình vẻ, có chỗ giống nhau và khác nhau. Nhưng sự vật vận động là có quy luật. Quy luật đó là sự vận động của bản chất của sự vật, là điều kiện cụ thể tạo thành sự vật đó. Bản chất của sự vật thế nào, các điều kiện, nhân tố hình thành sự vật như thế nào, thì nó sẽ biểu hiện ra đúng như bản chất và điều kiện tồn tại của nó.

Muốn thực hành phản công và tiến công thì phải tổ chức các chiến dịch phản công và tiến công để tiêu diệt quân địch, tiêu diệt các tập đoàn chiến dịch, chiến lược của địch; vừa tiêu diệt lực lượng quân sự và lực lượng chính trị của địch, vừa phá vỡ thế trận của địch, giành dân, giải phóng đất đai. Nội dung và yêu cầu của phản công và tiến công là phải tiêu diệt được lực lượng lớn của địch, tiêu diệt được tập đoàn chủ yếu của địch và cơ quan chỉ huy cao cấp của địch, chiếm lĩnh được trận địa của địch, giành được dân về ta, giải phóng được đất đai. Có thế phản công và tiến công mới giành được thắng lợi to lớn, thắng lợi quyết định.

Trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta, phản công và tiến công có muôn màu, muôn vẻ, rất phong phú, linh hoạt, sáng tạo và đã phát triển tới một trình độ, một nghệ thuật cao.

2. VẤN ĐỀ RÚT LUI VÀ PHÒNG NGỰ

Trong chiến tranh, có phản công, tiến công và cũng có rút lui và phòng ngự.

Đối với quan điểm cách mạng, quan điểm đấu tranh triệt để thì rút lui và phòng ngự, chỉ là tạm thời, là sách lược, là chuẩn bị điều kiện cho phản công và tiến công. Vì phòng ngự là không có thể tiêu diệt được quân địch. Lý Bôn, Triệu Quang Phục rút lui để bảo toàn lực lượng, rồi chuyển sang phản công và tiến công. Trần Hưng Đạo rút lui để nhử địch vào sâu, phân tán quân địch, làm cho địch mệt mỏi, sa vào thế bị bao vây khốn quẫn, rồi chuyển sang phản công và tiến công. Lê Lợi nổi dậy tiến công địch, rồi có lúc phải tạm rút lui sâu vào vùng núi ở phía bắc Thanh Hóa, sau lại chuyển sang tiến công, Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhiệm, rút lui về núi Tam Điệp, chuẩn bị cho Quang Trung ra phản công chiếm lại Thăng Long.

Trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Pháp lần thứ 2 (1945-1954) quân ta cũng từ các thành thị rút về nông thôn đồng bằng và rừng núi, rồi chuyển sang phản công và tiến công.

Đó là những cuộc rút lui cần thiết, trước một quân địch còn tạm thời mạnh hơn, mà chưa đủ sức tiêu diệt chúng, ngăn chặn hẳn chúng lại, hoặc đánh bật chúng ra khỏi đất nước. Đứng về mặt hành động chiến lược thì là rút lui. Nhưng về mặt chiến đấu và chiến dịch thì vẫn có tiến công và phản công. Quá trình rút lui vẫn là quá trình chiến đấu tiêu hao và tiêu diệt nhỏ quân địch. Điểm này thể hiện rõ nét nhất là ở cuộc chiến tranh thời nhà Trần và trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp lần thứ 2.

Rút lui trong các cuộc chiến tranh này là rút lui tích cực, chứ không phải là rút lui đơn thuần, rút lui một cách tiêu cực. Rút lui là một hình thức khác của việc xoay chuyển thế trận; tìm một thế trận khác có lợi hơn; nhường địch một bước làm giảm sức mạnh của chúng, đưa chúng vào một thế bất lợi hơn để ta chuẩn bị điều kiện tốt hơn rồi mới quyết chiến với địch mà tiêu diệt chúng.

Về phòng ngự thì có phòng ngự trong cuộc chiến tranh thời Lý và thời Trần.

Lý Thường Kiệt đã tổ chức phòng ngự ở sông Như Nguyệt (sông Cầu) và Trần Quang Khải đã tổ chức phòng ngự ở vùng Nghệ An. Hai trận phòng ngự này là phòng ngự tích cực chứ không phải là phòng ngự đơn thuần, phòng ngự tiêu cực, mà Lý Thường Kiệt và Trần Quang Khải đã hoàn thành được nhiệm vụ của phòng ngự là ngăn chặn được quân địch, tiêu hao được quân địch, rồi chuyển sang phản công tiêu diệt quân địch.

Trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta cũng có trận chiến phòng ngự đơn thuần tiêu cực và đi đến thất bại. Đó là trận chiến phòng ngự trận địa tiêu cực của Hồ Quý Ly, dựa vào thành Đa Bang trên bờ phía nam sông Hồng. Kết quả là không thể tiêu diệt được quân địch và cũng không thể chống đối nổi với quân xâm lược nhà Minh và bị thất bại, bị mất nước.

3. VẤN ĐỀ TIÊU DIỆT CHIẾN LƯỢC VÀ NGHỆ THUẬT QUYẾT CHIẾN

Trong chiến tranh, vấn đề tiêu diệt chiến lược là vấn đề hết sức quan trọng. Tiêu diệt đối phương, đè bẹp sự kháng cự của đối phương, buộc đối phương phải nhận sự thất bại. Đó là yêu cầu cao nhất của chiến tranh, để đạt mục đích cao nhất của chiến tranh là giành thắng lợi chiến tranh. Tiêu diệt đối phương, có tiêu diệt nhỏ, vừa và lớn, có tiêu diệt chiến thuật, tiêu diệt chiến dịch và tiêu diệt chiến lược. Các mức tiêu diệt đó đều quan trọng, nó bồi bổ, bổ sung cho nhau và tạo điều kiện cho nhau, tạo thành một sức tiêu diệt địch rất rộng rãi, rất mạnh. Nhưng trong các mức đó thì tiêu diệt chiến lược là quan trọng nhất. Tiêu diệt chiến lược làm cho sự so sánh lực lượng giữa hai bên thay đổi một cách nhanh chóng, tạo ra thế chiến lược mới, tạo ra sự chuyển biến cục diện chiến tranh, tạo ra thắng lợi chiến lược, thắng lợi chiến lược quyết định trong chiến tranh. Đánh tiêu diệt là một yêu cầu bức thiết để giành thắng lợi trong chiến tranh. Đánh tiêu diệt nhỏ, vừa, lớn là một quá trình phát triển dần dần từ nhỏ đến lớn, từ lượng đến nhất.

Tiêu diệt chiến lược là một chuyển biến về chất trong quá trình vận động và phát triển của chiến tranh.

Tiêu diệt chiến lược không những chỉ tiêu diệt một lực lượng lớn, quan trọng của địch trong một thời gian ngắn mà còn tiêu diệt và đánh bại từng tập đoàn chiến lược, từng đạo quân của địch. Các tập đoàn chiến lược, các đạo quân là những lực lượng cốt cán, là những tổ chức cốt cán của lực lượng vũ trang để tiến hành chiến tranh, để tiến hành các đòn đánh quyết liệt, quyết định trong chiến tranh. Tiêu diệt chiến lược của địch, đánh bại tổ chức chiến dịch, chiến lược của địch, đánh bại các ý đồ, kế hoạch chiến lược của địch, đánh bại nghệ thuật tác chiến chiến dịch, chiến lược của địch, và trên cơ sở đó mà đánh bại ý chí kháng cự của địch. Muốn tiêu diệt chiến lược phải tổ chức các chiến dịch lớn, và các chiến dịch có tính chất quyết chiến về mặt chiến lược.

Chủ lực của hai bên, các tập đoàn chiến lược, đương đầu giao chiến với nhau, đối chọi với nhau một cách quyết liệt. Cuộc đối chọi quyết liệt đó diễn ra dưới hình thức quyết chiến chiến lược. Quyết chiến chiến lược là một cuộc đấu tranh gay gắt nhất, quyết liệt nhất, cao nhất, giải quyết mâu thuẫn lớn nhất, tập trung nhất trong chiến tranh.

Quyết chiến chiến lược là một cuộc thử thách lớn nhất, một cuộc thử thách toàn diện các mặt trong chiến tranh, là một sự thử thách về tài tổ chức và nghệ thuật chỉ huy; là một sự thử thách về ý chí, là một sự đối chọi quyết liệt nhất của hai bên tham chiến. Muốn giành được thắng lợi hoàn toàn và triệt để trong chiến tranh thì cần thiết phải tiến hành quyết chiến chiến lược để tiêu diệt chiến lược quyết định. Quyết chiến chiến lược là một thành phần tinh đặc nhất trong sự cấu thành của chiến tranh, là một nhân tố rất quan trọng trong vận động của chiến tranh, là một sự vận động có tính quy luật trong toàn bộ quá trình vận động và phát triển của chiến tranh.

Trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta, tiêu diệt chiến lược và quyết chiến chiến lược thường xuất hiện và diễn ra một cách phổ biến vào thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến và chiến tranh giải phóng.

Lý Thường Kiệt đã tiến hành quyết chiến chiến lược trên chiến tuyến sông Cầu để tiêu diệt chiến lược quyết định mà giành được thắng lợi trong chiến tranh. Lý Thường Kiệt chỉ thực hành một cuộc quyết chiến chiến lược cũng giành được thắng lợi chiến tranh. Quyết chiến chiến lược và tiêu diệt chiến lược của Lý Thường Kiệt được sự hiệp đồng và hỗ trợ rất đắc lực của nhiều trận đánh nhỏ và vừa. Các trận đánh đó đạt được mục đích tiêu hao địch một cách rộng rãi và thực hiện được tiêu diệt chiến thuật và chiến dịch, tạo điều kiện tốt cho việc chuẩn bị quyết chiến để tiêu diệt chiến lược.

Trần Hưng Đạo, qua từng trận đánh nhỏ đạt tiêu hao và tiêu diệt chiến thuật, rồi tiến lên tổ chức một số chiến dịch, đạt được tiêu diệt chiến dịch và chiến lược, rồi trên cơ sở những thắng lợi đó mà tiến hành quyết chiến chiến lược, đạt được tiêu diệt chiến lược quyết định, giành được thắng lợi cho chiến tranh, hoặc giành được thắng lợi cơ bản, thắng lợi quyết định cho chiến tranh. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), Trần Hưng Đạo đã tổ chức một trận quyết chiến tiêu diệt đạo quân Thoát Hoan, tập đoàn chiến lược chủ yếu của quân xâm lược, ở giữa Thăng Long và Chương Dương. Sau một chiến dịch lớn đã tiêu diệt và đánh tan đạo quân Toa Đô trên sông Hồng, từ bến Hàm Tử đến cửa sông Luộc, giành được thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đập gãy một thế trận của địch làm cho Thoát Hoan ở Thăng Long bị cô lập. Sau trận Hàm Tử, quân địch bị suy yếu một bước quan trọng, lâm vào thế bị động lúng túng. Nắm được thời cơ có lợi, Trần Hưng Đạo liền tổ chức một trận quyết chiến Chương Dương-Thăng Long nhằm tiêu diệt đạo quân Thoát Hoan. Trận quyết chiến này đã thành công, giành thắng lợi chiến lược quyết định, tạo ra điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc tiếp tục tiêu diệt và đánh bại hoàn toàn quân xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (1288), Trần Hưng Đạo cũng đã tổ chức hai trận quyết chiến chiến lược; một trận ở Bạch Đằng, tiêu diệt đạo quân Ô Mã Nhi và một trận ở vùng Vạn Kiếp, tiêu diệt và đánh tan đạo quân Thoát Hoan. Hai trận này đã thành công rực rỡ và hai trận này đã chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn mưu đồ xâm lược của triều đình phong kiến nhà Nguyên đối với nước ta.

Trận Bạch Đằng là một trận đã thể hiện được trình độ chỉ huy cao và nghệ thuật chỉ huy tài của bộ chỉ huy quân đội nhà Trần. Việc nắm địch, phán đoán địch được chính xác, biết được ý đồ rút lui của địch. Việc chọn mục tiêu, đối tượng tiến công cũng rất đúng. Tập trung lực lượng đánh đạo quân rút trước, đánh đạo quân đang vận động trên đoạn đường rút lui xa có nhiều khó khăn trước. Diệt được đạo quân này một cách nhanh gọn sẽ tạo điều kiện tốt cho việc tiêu diệt tiếp đạo quân thứ hai. Nếu không đồng thời tiêu diệt được cả hai đạo quân trong cùng một lúc thì cũng tập trung lực lượng tiêu diệt gọn một đạo quân yếu trước. Sau đó sẽ tiếp tục tiêu diệt các đạo quân khác. Về thế trận thì chọn được khu vực quyết chiến có lợi. Trong khu vực quyết chiến lại biết cải tạo địa hình, tổ chức lại chiến trường, nhử địch vào cạm bẫy, làm cho địch đang mạnh hóa thành yếu đột ngột, không kịp và không có cách xử trí đối phó, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt địch một cách dễ dàng. Về sử dụng lực lượng thì đã cơ động đúng lúc lực lượng dự bị chiến lược đứng chân ở địa bàn cơ động tập trung về hướng tiến công chiến lược có lợi nhất, có điều kiện phát triển thuận lợi nhất. Tập trung lực lượng vào hướng đó thì có thể giành được thắng lợi to lớn. Thắng lợi chiến lược đó đạt được thì sẽ tạo ra điều kiện rất thuận lợi cho bước phát triển tiếp theo. Do có trình độ và nghệ thuật chỉ huy cao cường nên trận Bạch Đằng là một trận thắng lợi rất đẹp, một trận thắng lợi rất oanh hệt.

Trong cuộc chiến tranh giải phóng của nghĩa quân Lam Sơn, sau một thời gian dài tiêu hao và tiêu diệt nhỏ và vừa quân địch, đến năm 1426, Lê Lợi-Nguyễn Trãi mới có điều kiện tổ chức các chiến dịch lớn, thực hiện viện tiêu diệt chiến lược đối với quân địch.

( còn nữa) 1….
<a href="http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/122/122/122/2975